Archive for Tháng Sáu 11th, 2014
Gõ cửa nhà Cụ Hinh
Năm năm đã trôi theo dòng nước dưới chân cầu Mirabeau kể từ ngày Hoà thượng Thích Học Toán rủ rê Cụ Hinh cùng viết blog. Năm năm với khá nhiều sự kiện, có chuyện vui, có chuyện buồn. Khó ngờ rằng cái trò viết blog, không khác lắm với trò trẻ con xây nhà trên cát, lại ảnh hưởng đến thế tới cuộc sống thật, trong đó có cuộc sống của người viết.
Khi còn chăm viết blog để thi đua cùng với Cụ Hinh, không mấy khi tôi có cái cảm giác an nhiên của Hoà thượng, dù cho là Hoà thượng ảo. Cảm giác thường trực là mình làm anh chàng người gỗ Pinocchio, luôn được Cụ Dế Hinh nhắc nhở.
Khác với người gỗ Pinocchio hay bị nhắc nhở về tội trốn học, Thích Học Toán không bỏ học bao giờ, mà lại là người rất thích học. Bên cạnh ưu điểm thích học, Thích Học Toán có vô khối khuyết điểm. Khuyết điểm của anh ta không có gì là đặc sắc, đó là những khuyết điểm mà hầu hết các anh Lam người Việt Nam đều mắc phải. Sự quan tâm nhắc nhở của Cụ Dế Hinh làm cho người gỗ Thích Học Toán vừa buồn cười, vừa tức. Các anh Lam người Việt Nam đọc chuyện Cụ Hinh cũng thấy vừa buồn cười, vừa tức.
Buồn cười bởi vì Cụ Hinh chỉ ra khuyết điểm của mình trúng quá. Tức bởi vì đó là những khuyết điểm mà mình không muốn công nhận, nhưng bắt buộc phải công nhận.
Quá trình nhận thức, tự vấn và tự sửa mình là hành trình tự nhiên của con người. Nó đi song song với quá trình thay đổi của không gian sống. Không gian sống bắt đầu từ ổ bụng ấm áp của người mẹ, rồi tới đình làng, ngõ xóm chật hẹp, thân thương, để rồi trở thành cả thế giới bao la. Con người nếu muốn sống trọn vẹn kiếp sống của mình, cũng cần biết tự thay đổi từ một hài nhi luôn cần sự chăm sóc của cha mẹ, đến đứa trẻ được gia đình làng xóm đùm bọc, để rồi trở thành một người lập thân biết tự do, và biết sống chan hoà với thế giới.
Quá trình đó không hề dễ dàng. Nó còn khó hơn với anh Lam vì tiềm thức của anh là tiềm thức của người nông dân, sống trong không gian sống của ngôi làng Việt Nam dù có thân thương, nhưng vẫn rất chật hẹp, trong khi đó cuộc sống thực của anh là cuộc sống hiện đại, hàng ngày phải đối mặt với gió lớn thổi tới từ bốn phương trời. Anh ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc từng bước thiết lập những quy tắc cho một cuộc sống mới, một cuộc sống không bó hẹp trong luỹ tre làng, một cuộc sống ở đó con người biết chia sẻ và biết gìn giữ riêng tư. Trước khi đi tới đó, anh ta sẽ phải nhận thức rằng những quy tắc sống như thế, và việc nó được cả xã hội chấp nhận và thực hành là một tài sản xã hội vô hình nhưng vô cùng quý giá.
Hy vọng rằng bạn đọc cũng sẽ có cảm giác vừa buồn cười, vừa tức khi đọc những trang sách này. Tác giả không phải lúc nào cũng có chân lý. Có lúc tác giả rất sắc bén, có lúc kém sắc bén. Cái đáng quý là Cụ Hinh không “tranh thủ lên lớp” chúng ta, mà luôn nhẫn nại đóng vai trò của Dế Cụ. Đối với những người mộ Pinocchio, Il Grillo Parlante là hiện thân của tình bạn chung thuỷ nhất.
Ai đi đâu cũng nên có Il Grillo ở trên vai, và thường xuyên nhắc nhở để không lỡ hẹn với người khác, với bản thân mình.
Thời tiết đô thị
(Bài này viết vào 01/2010, nhặt lại từ blog cũ)
Có đôi lần tôi bị day dứt bởi câu hỏi này. Cuộc sống hiện đại ngày càng giống một dòng sông cuồn cuộn chảy. Chất liệu cho văn học là cái hỉ nộ ái ố của con người cứ ê hề ra như thế, tại sao văn học Việt Nam đương đại lại trung bình đến như vậy. Năm này qua năm khác, các nhà văn lão thành vẫn tiếp tục khai thác chủ đề người lính cao thượng cứ như thể báo Văn nghệ quân đội sẽ đóng vai trò chuẩn mực vĩnh viễn. Bao nhà văn trẻ hơn vẫn say sưa từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác mà không vượt khỏi mức độ hiện đại nghiệp dư. Ngay đến một con người xuất chúng như Nguyễn Huy Thiệp khi dũng cảm viết về chủ đề thành thị hiện đại cũng trở nên lơ ngơ như anh nhà quê ra tỉnh.
“Quả thật là cuộc sống không ngừng thay đổi. Sợ nhất là đời thay đổi mà mình cứ im im. Sợ nhất nhất là đời thay đổi một đằng, mình thay đổi đằng khác. “
Vậy ta hãy lắng nghe những con người trưởng thành trong cái dòng sông cuồn cuộn kia. Ở đó, hệ qui chiếu luân lý đã khác với các giá trị cổ điển. Ánh sáng đèn mầu, chuyến ra đi mê mải và cuộc chia tay tịnh không một giọt nước mắt không còn là những yếu tố phù du mà đã trở thành bộ phận cấu thành của tâm hồn.
Nhiều người cứ nghĩ văn viết trên blog hoàn toàn mang tính ngẫu hứng. Entry trước, entry sau không liên quan gì đến nhau. Người viết blog hay như 5xu chắc không hoàn toàn bị chi phối bởi cảm hứng ngẫu nhiên. Một quan sát mới, một liên tưởng lạ, có lẽ đã quanh quẩn trong đầu người viết từ lâu, chỉ chờ một yếu tố khách quan, để có thể tinh thể lại thành những con chữ. Văn viết trên blog được giải phóng khỏi tính tuần tự của văn chương cổ điển.
Trên blog của 5xu, cuộc sống hiện đại được những con chữ thể hiện mồn một. Giống một bộ sưu tầm tranh thủy mạc hơn một bộ phim tài liệu. Người viết ra những dòng này rất có thể còn bị chi phối bởi những giá trị cổ điển cho nên vẫn muốn đi tìm một bộ phim rõ nét về cuộc sống. Nếu ngộ ra cái tính bất định của cuộc sống, hắn đã cảm thấy hạnh phúc với những tấm tranh thủy mạc vẽ bởi một họa sĩ có tài.
Cái tự do vô cùng của văn viết trên blog đôi khi cũng là cái hạn chế của nó. Không có cấu trúc, mỗi entry tồn tại như một cá thể riêng biệt. Đọc lại một lượt Thời tiết đô thị, tôi chợt nhận thấy hóa ra là không phải như vậy. Mò theo sợi dây vô hình kết nối chúng lại, ta tình cờ được chiêm ngưỡng nhân sinh quan của tác giả : một nhân sinh quan thú vị và đáng ngạc nhiên hơn cả cái slogan “ lúc điên lúc loạn, lúc tối tăm, lúc sáng lòa …”.
Cái sợi dây vô hình kia là giọng văn trong trẻo của 5xu. Đọc nhiều đoạn văn mà thấy sung sướng như được ăn một bát cơm ngon. Gạo mới nấu khéo. Rất may là nhà sách Megabooks đã có sáng kiến mang bát cơm tinh thần này đến đông đảo bạn đọc.