Archive for the ‘Uncategorized’ Category
Cây phượng ở Hongkong
Đầu hè năm ngoái tôi đi Hongkong lần đầu tiên. Đúng vào thời điểm bắt đầu bạo động ở Hongkong với nguyên do là phản đối luật dẫn độ. Run rủi như thế nào mà cuộc bạo động ở Hongkong hè năm ngoái đã là cơn giông đầu tiên báo hiệu cho trùng trùng bão tố quần thảo khắp thế giới từ sau đó.
Ông Y đón tôi ở sân bay. Ông là một thành viên của Hội đồng tín thác của Đại học Chicago. Kết hợp với chuyến công tác ở HKUST, tôi muốn đến thăm phân hiệu mới của đại học Chicago mới xây và là thành quả những cố gắng không mệt mỏi của ông Y. Ngoài một khoản tiền khá lớn mà vợ chồng ông dành cho công trình này, ông Y đã vận động chính phủ Hong Kong để có được một mảnh đất rất đẹp gần trung tâm và nhìn ra biển.
Vị trí này vốn là doanh trại của quân đội Anh, sau này được dùng làm nhà tù, nơi giam nhiều nhà hoạt động chính trị cánh tả trong những năm HK có nhiều biến cố mà nguyên nhân là quan điểm chính trị của những người đại lục tị nạn. Các nhóm người này có mâu thuẫn dẫn đến xung đột với nhau. Nhóm di cư cộng sản và nhóm di cư cộng hoà nhiều khi tẩn nhau bằng cả dao và súng, trong khi Hongkong không có quân đội, chỉ có cảnh sát.
Ông Y rât tâm đắc với kiến trúc xuất sắc của công trình, giữ gìn được doanh trại, nhà tù cũ như những vật chứng của lịch sử, mà vẫn làm nên một trung tâm học thuật hiện đại. Toà nhà có chỗ uốn cong khá ấn tượng để giữ một cây phượng được coi là biểu tượng của tri thức trong văn hoá Hoa hạ.
Ông cũng giải thích cho tôi tại sao tên của trung tâm đại học Chicago lại gắn với Jockey Club. Jockey Club là một trong những tổ chức dân sự lâu đời nhất ở HK, được chính quyền dành cho độc quyền trong việc cá ngựa. Vì là tổ chức dân sự, hoạt động như một doanh nghiệp, nên hoạt động rất hiệu quả, luôn là tổ chức đóng nhiều thuế nhất cho chính phủ sau khi đã dành ra nửa tỉ dollar mỗi năm cho những công việc phúc lợi xã hội như xây bệnh viện, trường học.
Câu chuyên Jockey Club làm tôi suy nghĩ nhiều. Nó là một minh chứng cho giá trị vô cùng lớn của một thiết chế xã hội minh bạch và hiệu quả. Nó cho phép biến những năng lượng xấu của con người như ham mê đỏ đen, thành một nguồn sinh lực vô cùng lớn và bền vững.
Ông Y còn kể câu chuyện thú vị khác về sự hình thành của công nghiệp tài chính ở Hongkong. Sau hiệp ước nhượng địa, Hongkong trở thành lãnh thổ của Anh quốc, là cửa ngõ để Anh Quốc xâm nhập thương mại vào Trung quốc. Do một tình cờ của lịch sử mà Hongkong đóng thêm một vai trò khác nữa đó là làm nơi trung chuyển cho người Trung quốc sang Mỹ xây đường tàu hoả sang bờ Tây. Người Trung quốc đi xuất khẩu lao động với mục đích chính là gửi tiền về cho gia đình ở quê. Vào thời kỳ đó, người ta chỉ có cách chuyển qua tay những người trung gian ở Hongkong với đảm bảo duy nhất là niềm tin. Công nghiệp tài chính của HK khởi nguồn từ chính niềm tin đó.
Khủng hoảng ở Hongkong, dịch Corona ở Trung quốc lan sang châu Âu và Mỹ bây giờ đang làm xáo trộn bao nhiêu cuộc sống. Nó phải làm chúng ta nhận ra giá trị của niềm tin vào con người và sự minh bạch của các thiết chế xã hội. Khi con người không còn niềm tin vào sự bình đẳng, công lý, và sự minh bạch của các thiết chế xã hội thì bạo loạn sẽ chỉ chờ lý do để nổ ra.
PS: chợt nhớ ra chuyện này vì thấy họ đang chặt phượng nhiều quá!
Đầu tư vào đào tạo trên đại học
Cách đây gần chục năm, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra mục tiêu 20K tiến sĩ cho năm 2020. Nhiều người cười ông Nhân về mục tiêu viển vông. Tôi không có số liệu chính xác trong tay nhưng tôi tin rằng nếu có thống kê đầy đủ thì con số này đã đạt được rồi.
Nhiều người phán một cách khá vội vàng rằng tiến sĩ đào tạo gần đây toàn là tiến sĩ giấy. Đúng là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn rất thấp, nhiều cơ sở đào tạo theo nhu cầu chuẩn hoá bằng cấp, coi nhẹ mọi chuẩn mực hàn lâm. Một mặt khác, tôi nghĩ rằng đa số trong số khá đông tiến sĩ đào tạo ở các nước phương tây trong những năm gần đây có trình độ khoa học tốt, ít nhất không kém hơn những người được đào tạo ở Liên xô, hay các nước xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ trước. Tôi đã tiếp xúc, và nghiên cứu hồ sơ một số không nhỏ trong số xấp xỉ một trăm tiến sĩ toán xuất thân từ chương trình thạc sĩ quốc tế liên kết giữa Viện toán học, Sư phạm Hà nội và một số trường đại học ở Pháp và Đức, chương trình này bắt đầu từ 2005. Tuyệt đại đa số họ đều có những công trình khoa học nghiêm túc, được công bố ở những tạp chí đàng hoàng. Tôi tin rằng ở các tình hình ở các ngành khoa học khác cũng vậy, tuy rằng cần có một thống kê đầy đủ và chính xác hơn.
Như vậy các chương trình 322, 911 … dùng tiền ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có hiệu quả không. Tôi tin là có.
Giảng viên ở các trường đại học có cần có bằng tiến sĩ hay không. Tôi tin là có, vì đó là chuẩn mực quốc tế. Nếu chẻ chữ University ra thì ta thấy nó xuất phát từ chữ Universal. Làm University theo kiểu đặc thù là cách tự mâu thuẫn ngay trong phát biểu.
Nhưng nếu câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì tôi tin là không. Ít nhất không phải ở quy mô như đang nghe nói.
Điều bất hợp lý lớn nhất là nhà nước có thể bỏ ra 2K USD / tháng cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và đi dạy ở đại học VN thì mức lương khởi điểm của họ sẽ nhỏ hơn 150 USD/tháng. Nếu thu nhập khởi điểm của giáo viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần nhà nước phải hỗ trợ, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách mà đi làm tiến sĩ ở nước ngoài.
Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên. Hiển nhiên là các trường có định hướng ở phân khúc cao phải tính đủ học phí, có nghĩa là tăng học phí so với hiện nay. Các trường ở phân khúc thấp vẫn có thể duy trì mức độ học phí thấp và trả lương thấp cho giảng viên của mình.
Vậy thì vai trò của nhà nước nàm ở đâu? Vai trò của nhà nước là hỗ trợ cho các em sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đủ trình độ học ở các trường ở phân khúc cao, vẫn có thể đi học ở đó với chính sách học bổng hợp lý. Thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học như hiện nay theo đầu sinh viên, bất kể sinh viên nhà nghèo hay nhà giàu.
Quay lại câu chuyện dùng ngân sách để gửi 9K sinh viên đi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi tin rằng ngân sách này sẽ được sử dụng hiệu quả hơn vào hai việc như sau:
1) làm startup grant để các trường đại học có thể tuyển những người đã có bằng tiến sĩ và có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc;
2) đào tạo tiến sĩ trong nước với chất lượng tốt, theo chuẩn mực quốc tế. Việc này có thể làm được nếu có funding thông qua các application call minh bạch, dựa trên các tiêu chí khoa học, để thành lập các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng.
Đa số các nước tôi biết đầu tư ngân sách để đào tạo nghiên cứu sinh ở nước mình, chứ không phải gửi đi học ở các nước khác.
Một điểm nữa cần lưu ý, việc tìm được học bổng nước ngoài đi làm nghiên cứu sinh không phải là chuyện dễ, nhưng cũng không khó như người ta tưởng. Tất nhiên bạn phải vượt qua một số kỳ thi sát hạch, tối thiểu và có thư giới thiệu của thầy giáo để đảm bảo khả năng tư duy và thái độ làm việc. Nếu không vượt qua các kỳ thi sát hạch tối thiểu, tôi nghĩ bạn cũng không nên mơ mộng đi làm tiến sĩ làm gì. Phần còn lại do các hội đồng khoa lựa chọn, có thể năm ăn năm thua. Nhưng thế giới thì rộng, cơ hội thì nhiều nếu bạn chịu khó đi tìm.
Mèo của Nguyễn Sáng

Tôi mang bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng về Hà nội lần vừa rồi. Lý do đơn giản là bức tranh này thuộc về Hà nội, các bạn tôi ở HN trân quý nó hơn người ở những nơi khác.
Nguyen Duc Thanh gợi ý đưa bức tranh này vào sách tuyển tập hội hoạ VN đang làm. Nhờ lãnh đạo Viet Thanh Nguyen chụp mới có tấm ảnh đẹp như thế này. Đức Thành cũng đề nghị tôi viết vài dòng về tiểu sử của bức tranh. Câu chuyện về bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng là thế này.
GS. Henri Van Regemorter tham gia phong trào phản đối chiến tranh Đông dương từ khi còn là sinh viên. Trong thời kỳ 55-75, ông là một trong những lãnh đạo của Liên đoàn khoa học kỹ thuật chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Sau năm 1975, ông sáng lập ra Uỷ ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp-Việt để kết nối các nhà khoa học VN với các trường đại học, Viện nghiên cứu và các nhà khoa học Pháp. Tôi không biết chính xác Henri có bức tranh này trong hoàn cảnh nào, nhưng hiển nhiên nó là kỷ vật của một cuộc đời gắn bó với đất nước Việt Nam.
Tôi kết bạn với Henri từ năm 1990 khi mới sang Pháp. Henri tặng tôi bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng một vài tháng trước khi ông mất vào năm 2002.
Từ nhỏ tôi đã nhận thấy sưu tầm là một công việc rất thiếu triết học. Với thân phận phù du của mình, tại sao ta lại gắn bó quá mức vào các đồ vật, dù nó đẹp nó quý đến đâu. Thực ra chính vì nó đẹp, nó quý nên ta không nên gắn bó với nó.
Tôi bắt đầu sưu tầm ít tranh pháo từ khi có bức Mèo của Nguyễn Sáng. Tôi nhận ra rằng mình giữ bức tranh không phải vì giá trị kim tiền hay nghệ thuật mà vì đó là một vật chứng cho sự tồn tại của một thời đã sống, của một người bạn đã mất.
Ông ngoại
Hà Nội ngày xưa những ngày gần Tết rét cóng. Các cụ già theo nhau ngỏm. Tuần sau có giỗ cả ông nội và ông ngoại.
Ông nội mất trước khi tôi sinh. Tôi chỉ biết một vài câu chuyện về ông nội qua lời kể của bố, bác Du và chú Văn. Ông cả đời làm ông giáo nghèo. Bố tôi có lần vác bộ cả bao gạo mấy chục cây số từ lên Hà Đông nơi ông dạy học. Cả đời ông chỉ mơ xây được cái “nhà tây”, tức là nhà mái bằng. Xây xong cái nhà tây thì ông mất. Nghĩ đến ông, thấy thương ông, thương bố và các bác.
Vì chưa gặp ông bao giờ nên tôi chỉ lưu trong đầu mình tấm ảnh của ông nội. Tuy thân thương, nhưng có gì đó xa cách và trừu tượng. Ngược lại với ông ngoại. Vì ở với ông ngoại từ bé nên cứ mỗi dịp Tết, nhất là mấy ngày trước giỗ ông, bao ký ức lại cuồn cuộn chảy về.
Hồi còn đi học mẫu giáo, ngày quan trọng nhất trong tuần với tôi là ngày thứ năm. Ngày thứ năm, ông ngoại đi làm về sớm đến đón tôi ở lớp mẫu giáo. Không nhớ dạo đó nghịch ngợm thế nào mà ngày nào tôi cũng bị cô giáo phạt. Riêng ngày thứ năm thì rất ngoan vì ông hứa nếu không bị cô phạt thì ông cho đi ăn kem. Kem ngày xưa ngon lắm. Một lần tuy đã rất kiềm chế, cả ngày không trêu ghẹo bạn nào, nhưng có lẽ vì thế nên căng thẳng quá mà đến chiều thì có vi phạm rất to là đái dầm. Buồn lắm vì như thế bao nhiêu cố gắng kiềm chế không trêu ai, không đánh ai, thành ra công cốc. Đến trường ông hỏi sao trông mặt cháu buồn thế, lại bị phạt à? Trả lời vâng ạ, cháu bị phạt vì tội đái dầm. Ông bảo đái dầm không phải là khuyết điểm vì không ai cố tình đái dầm cả. Nên vẫn được ăn kem. Trên đời chắc không có ai độ lượng như ông ngoại.
Lớn hơn chút, mỗi khi có việc gì quan trọng, tôi lại đòi ông ngoại đi đón. Mỗi lần đi thi biết có ông ngoại đi đón, cảm thấy rất vững tâm để làm bài. Cứ mỗi kỳ thi, mà học chuyên toán thì thi suốt, ông lại đi đón. Ông không bao giờ sai hẹn.
Tết nào ông cũng lôi ở đâu về rất nhiều trấu về nấu bánh chưng. Mấy anh em chạy lăng xăng xung quanh nồi bánh chưng của ông ngoại. Ông bảo chạy xa xa ra không làm đổ nồi bánh chưng của ông. Có lần không kìm được máu nghich ngầm, tôi ném một quả pháo tép vào đống củi lửa dưới nồi. Pháo nổ làm ông giật mình. Ông bực mình lắm, nhưng vì ông không quen mắng mỏ ai bao giờ, ông không tìm ra từ để mắng. Mấy anh em tôi được dịp tiếp tục lăng xăng nhảy nhót. Ông bực lắm mà chỉ biết trừng mắt lên rồi bảo: không được hỗn láo trước mặt cấp trên.
Khi về hưu, ông bà ngoại tôi mở quán xôi chè ở sân nhà Hàng Bài. Xôi chè bà nấu ngon nên đông khách. Ngày nào cũng như ngày nào, ông ngoại dạy từ 4 giờ sáng quét sân, dựng bạt, rồi cả ngày rửa không biết bao nhiêu bát đĩa của khách. Không một lời kêu ca.
Ông ngoại tôi sinh ra trong một gia đình rất giàu có. Trước cách mạng, ông đã có mấy cái xe hơi, thừa hưởng mấy chục căn nhà trên phố Bạch Mai. Có đủ nhà để mở trường cho trẻ em nghèo. Đi kháng chiến 9 năm về, người ta bắt ông đi cải tạo vì thành phần vẫn không tốt. Đi về ông hiến nhà nước toàn bộ nhà cửa ở Bạch Mai và gia đình tôi dọn về Hàng Bài nơi nhà nước cho thuê lại một chỗ ở. Toàn bộ tài sản của ông được xếp ngăn nắp trong một cái tủ nhỏ sơn màu xanh dương. Vậy mà cần gì ông mở tủ ra là có. Có lần tôi tự tiện mở tủ của ông để lấy bút viết, vì tôi hay làm mất bút. Ông bực lắm nhưng cũng chỉ nói, cháu không được tự tiện mở tủ cửa người khác. Rồi ông nói cháu lấy bút rồi, lần sau cháu xin ông đâu còn bút để cho.
Khi ông gần mất, tôi xin nghỉ được một hai tuần để về nhà, đến ngủ với ông ở trong bệnh viện. Lúc ấy ông đã hơi lẫn rồi. Nhưng đôi lúc vẫn còn tỉnh. Một lần như thế tôi hỏi ông có tiếc vì đã đi kháng chiến hay không? Ông bảo không, bọn Pháp chiếm nước mình thì mình phải đánh lại nó. Xong tôi hỏi ông có tiếc 30 căn nhà hiến cho nhà nước hay không. Ông bảo không, nếu không hiến thì mẹ cháu làm sao được đi học đại học. Tôi luôn ngạc nhiên vì ông có câu trả lời đơn giản cho mọi vấn đề phức tạp.
Có những người sinh ra đã là gentleman: biết cái gì là đúng cho trong đa số các hoàn cảnh, tử tế, độ lượng với những người xung quanh, luôn nhận phần thiệt về mình, không bao giờ kêu ca, không bao giờ giải thích. Có những người khác phải vấp váp, rèn luyện cả đời cũng chỉ đạt đến gần đó. Lại có những người khác sống cả đời với sự nhỏ nhen mà họ có từ khi sinh ra.
Bầu cử ở Mỹ
Dù đã sống ở Mỹ gần 10 năm, tôi vẫn không thực sự quan tâm, cảm thấy liên quan đến cuộc sống chính trị ở nước này. Phải đến mấy tuần trước ngày bầu cử tổng thống, tôi mới thỉnh thoảng đọc báo, theo dõi các bản tin dự báo. Kỳ thực là không ai trong số hai ứng kỷ viên lần này tạo ra cho tôi một sự phấn khích tích cực.
Một bên là ông Trump. Theo quan sát hạn chế của tôi, ông này gây được cảm tình với nhiều người bằng cách nói năng bặm trợn của mình, sẵn sàng giẫm lên mọi tabou, từ chủng tộc, tôn giáo, đến giới tính … Có người tin rằng người sẵn sàng vượt qua tabou là người trung thực. Tôi không tin phương pháp này. Tôi tin hơn vào phương pháp của an ninh, ta và tây, đánh giá độ trung thực của một người qua số lần anh ta nói ngược lại với phát biểu của chính mình trước đó. Vượt qua tabou giống như cởi trần, hoặc cởi truồng, ra ngoài đường. Thỉnh thoảng thì được, thường xuyên thì rất chướng. Và khoả thân thì không nhất thiết là đẹp cũng như đạp lên tabou không chắc là nói thật. Ngoài ra cái mà tôi rất không thích ở ông Trump là dường như ông ấy muốn giải quyết mọi việc bằng cán cân quyền lực, các khái niệm chân thiện mỹ được vứt hết vào sọt rác.
Bên kia là bà Clinton. Theo quan sát hạn chế của tôi, đặc điểm của bà là không có đặc điểm gì cả. Tôi có nghe bà diễn thuyết một hai lần, nhưng nghe xong không thể nhớ được bà ấy nói gì. Trên bình diện này thì ông Trump hơn hẳn. Nhiều người chỉ trích việc bà ấy vô nguyên tắc trong việc sử dụng email, tệ hơn nữa việc xoá đi 30 chục ngàn email, chắc phải là dấu hiệu của tham nhũng. Cá nhân tôi cần có những dấu hiệu thuyết phục hơn để bắt đầu tin vào chuyện bà ấy tham nhũng. Theo cảm nhận rất phiến diện của tôi thì bà Clinton không tốt cũng chẳng xấu, rất thích hợp với cương vị tổng thống.
Từ lâu tôi đã tin rằng phần lớn sướng khổ của cuộc đời mình là do mình gây ra, không nên mong chờ một vị lãnh tụ xuất sắc, một đấng cứu thế đến cứu rỗi mình. Tốt nhất là lãnh đạo không tốt cũng chẳng xấu, miễn là không làm gì lố quá là được. Ông Trump thì hoàn toàn có thể sẽ làm những thứ rất lố. Kinh nghiệm sống mười mấy năm ở châu Âu cho tôi thấy các nhà lãnh đạo dân tuý kiểu Trump và Sarkozy sẽ gây nhiều khó chịu mà kết cục cũng không làm nên trò gì cả.
Đa số cử tri Mỹ đã không suy nghĩ như tôi. Họ có vẻ đã chán bồ câu Obama và cảm thấy khát khao diều hâu Trump, giống như họ đã từng chán gentleman farmer Carter để bầu cho cowboy Reagan. Tâm hồn Mỹ hình như không ngừng dao động giữa cái chân thiện mỹ của tôn giáo tin lành và cuộc giành giật ăn miếng trả miếng của người đi khai hoang.
Quan trọng hơn cả là hôm qua ông Trump đã thắng cử một cách thuyết phục. The people have spoken. American democracy is just beautiful the way it is, even when it looks like a tragedy.
Giới thiệu sách “Kẻ trăn trở”
Anh Lương Hoài Nam không phải là nhà báo. Công việc thường ngày của anh cũng không phải là nghiên cứu giáo dục. Anh làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hàng không và du lịch. Vậy mà trong một vài năm gần đây, anh Nam đã viết hàng chục bài về đề tài cải cách giáo dục đăng tải trên cả báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội. Những bài viết của anh luôn đầy ắp tư liệu, được dẫn dắt bởi tư duy mạch lạc và trình bày với văn phong trong sáng, dễ hiểu.
Tôi nghĩ rằng để đọc những bài viết của anh Nam về giáo dục, nên bắt đầu bằng bài viết mang tính tự sự : “Từ lũy tre làng ra biển lớn & Nhận thức về “Tây học”. Đây cũng là một trong những bài viết mà tôi thích nhất. Câu chuyện từ luỹ tre làng đi ra biển lớn hẳn không phải là chuyện riêng của anh Nam, mà là của đa số trong chúng ta và có lẽ không nên e ngại xáo ngữ mà không khái quát nó lên như câu chuyện của dân tộc.
Trong câu chuyện giáo dục, câu hỏi anh (hay tôi) thuộc về luỹ tre làng hay thuộc về biển lớn thực ra không quan trọng lắm. Câu hỏi quan trọng là anh có muốn con anh sống với thế giới rộng lớn hơn thế giới của chính bản thân anh hay không? Nếu chúng ta đã thực sự rành mạch với bản thân mình rồi thì câu hỏi chọn mô hình nào cho giáo dục sẽ không cần bàn cãi nhiều nữa.
Đọc những bài anh Nam viết riêng về giáo dục, tôi vẫn nhận ra tư duy của doanh nhân hàng ngày vật lộn với sự khốc liệt của môi trường cạnh tranh. Tôi dạy học và nghiên cứu ở một đại học, công việc của tôi rất khác với công việc của anh Nam. Nhưng có một điểm chung trong suy nghĩ của tôi và anh là khi mình đã chấp nhận sống trong môi trường cạnh tranh của thế giới rộng mở, mình phải cất thật kỹ những bản sắc dân tộc, có thể là rất thiêng liêng với cuộc sống riêng tư của mình, để mà hoà nhập hoàn toàn vào cuộc chơi chung. Không làm được như vậy thì ta chỉ còn cách tự an ủi với vị thế của người thua cuộc.
Với tư duy mạch lạc của một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm, những bài viết của anh Nam luôn dựa trên những bảng biểu đối sánh, những con số cụ thể. Anh cũng nhìn giáo dục từ quan điểm của thị trường lao động, mong muốn giáo dục đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của nền kinh tế, thay vì chỉ hướng tới các giá trị chân thiện mỹ.
Hy vọng tuyển tập này với những bài viết của anh Lương Hoài Nam về giáo dục và cả về những chủ đề xã hội khác, sẽ đến được tay của nhiều bạn đọc. Tôi tin rằng những trăn trở của anh sẽ gặp gỡ nhiều trăn trở của những người khác, để thai nghén những vận động tích cực của xã hội.
Định chế dân chủ để làm gì?
Nhân câu chuyện “ông nghè” ở Đại học Ngoại thương mà Thanh Tran-Trong nhắc đến, tôi mạn phép kể với các cụ một câu chuyện mang tính tổng quát và giả định, không liên quan trực tiếp đến câu chuyện của trường Ngoại thương:
1) Việc tuyển dụng ở đại học VN theo tôi hiểu thường diễn ra như sau. Anh A muốn làm giảng viên ở trường X. Anh ấy sẽ huy động các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè để tiếp cận với ông trưởng khoa tên là B. Sau khi đã tiếp cận được rồi, anh A sẽ đến gặp ông B. Anh A sẽ kể chuyện mình học ở trường danh giá nào, đã nghiên cứu những về vấn đề quan trọng nào. Ông B nhân dịp sẽ khoe khoa mình tốt như thế nào, bản thân mình nghiên cứu khoa học ra sao … Bỏ qua các vấn đề lằng nhằng rất có thể có hoặc không và giả sử ông B thấy anh A cũng được đấy, ông B sẽ nói chuyện về anh A với một vài cán bộ chủ chốt trong khoa, đưa việc tuyển anh A ra họp giao ban, họp đảng uỷ … Sau đó moi việc sẽ được thực hiện đúng quy trình, thành lập uỷ ban tuyển dụng đầy đủ các ban bệ của trường, đặc biệt là phòng tổ chức cán bộ, nơi nắm vững các quy trình thủ tục hành chính, và de facto, có tiếng nói quyết định.
Ông B không thấy việc viết email hỏi thầy giáo cũ của anh A, những người được trích dẫn trong các công trình khoa học của anh A (nếu có) là cần thiết. Lý do là vì ông B bận lắm, mà viết email chắc gì người ta đã trả lời. Với lại cũng ngại, người ta có biết mình là ai đâu, tự dưng khơi khơi viết thư cho người ta thì ngại chết.
Thế nhưng nếu chịu khó viết thư hỏi thì ông B sẽ biết thực chất trình độ khoa học của anh A như thế nào, trong một vài trường hợp hãn hữu, anh A đã bảo vệ TS chưa?
Nếu khoa của ông B có sẵn một Uỷ ban tuyển dụng theo đúng nghĩa, ông B sẽ không thể đưa việc tuyển dụng anh A ra họp giao ban trước khi có đầy đủ reference check, bất kể ông ấy ngại làm việc ấy hay không.
2) Scandal ở đại học VN thường xuất phát từ những mâu thuẫn nội bộ, từ việc quy hoạch cán bộ … Một số người không thích anh A sẽ tổ chức một chiến dich báo chí để lôi những khuyết điểm của anh A ra công luận. Bất kể những việc anh A làm đúng hay sai, popular justice (đấu tố) luôn bao hàm tính bất công: anh A sẽ phải một mình bảo vệ danh dự của mình trước buá rìu của công luận. Trường X sẽ lúng túng, có bảo vệ anh A không, có bảo vệ ông B không, sẽ trả lời công luận như thế nào. Hay là khó quá, hỏi bộ trưởng vậy?
Nếu trường X có sẵn một số định chế dân chủ để phân xử trường hợp anh A, thì trường sẽ bảo vệ tốt hơn dignity của anh A lẫn của bản thân trường. Đối với một trường hợp khó như thế này, trường X phải có uỷ ban nghiên cứu kỹ về anh A, họp kín để cho phép anh A điều trần, đối chất. Nếu anh A chấp nhận mức độ kỷ luật và cách xử lý mà uỷ ban đưa ra thì câu chuyện dừng ở đây. Nếu anh A cho rằng Uỷ ban không công bằng, anh A có thể đề nghị đưa trường hợp của mình ra Nghị trường giảng viên để đối chất. Dù rằng những việc này vô cùng mệt mỏi và mất thời gian, nhưng đổi lại trường hợp của anh A sẽ được trường X nghiên cứu kỹ và bản thân anh A có cơ hội để điều trần. Nếu chưa đọc, mời các cụ đọc Disgrace của Coetzee cho vui.
3) Nói chung, càng có nhiều định chế, quy tắc, thì càng bất tiện, càng mệt. Nhưng đổi lại, dignity được bảo vệ tốt hơn. Hơi giống câu chuyện an toàn thực phẩm.
4) Những gì trình bày ở đây có liên quan đến kiến nghị số 5 của VED.
Reference:
http://hocthenao.vn/2015/06/11/phuong-huong-cai-cach-dai-hoc-o-viet-nam-doi-thoai-giao-duc/