Thích Học Toán

Posts Tagged ‘Alain

Thảm kịch

Trích từ quyển Alain nói về hạnh phúc, theo bản dịch của Cao Việt Dũng, Nguyễn Vũ Hưng và Hồ Thanh Vân.

Những người thoát khỏi vụ đắm tàu khủng khiếp đó (1) còn lưu lại những ký ức kinh hoàng. Bức tường băng hiện ra ngoài ô cửa sổ con tàu, sự chần chừ ấy và niềm hy vọng thoáng qua, rồi cảnh tượng con tàu khổng lồ bừng sáng trên mặt biển phẳng lặng, rồi mũi tàu chúi xuống, đèn điện đột nhiên tắt ngấm, tiếng la hét, ngay tức thì, của một nghìn tám trăm con người (2), đuôi tàu dựng đứng lên như một tòa tháp, và máy móc động cơ trượt về phía mũi tàu ầm ầm như trăm nghìn tiếng sấm, rốt cuộc cỗ quan tài khổng lồ chìm dần dưới mặt nước mà hầu gợn sóng, màn đêm lạnh giá phủ lên nỗi cô độc, sau đó là đến cái lạnh, sự tuyệt vọng, và cuối cùng là thoát nạn. Thảm kịch diễn đi diễn lại suốt trong những đêm trằn trọc mất ngủ, các kỷ niệm giờ đây đã nối kết với nhau, mỗi phần mang ý nghĩa bi thảm riêng, giống như một vở kịch được kết cấu tốt.

Trong vở Macbeth (3), lúc vầng dương lên trên lâu đài, một người gác cửa ngắm nhìn mặt trời đang mọc và những con chim nhạn. Bức tranh ấy tràn ngập vẻ tươi mới, giản dị và thuần khiết, nhưng chúng ta biết rằng tội ác đã diễn ra. Ở đây nỗi kinh hoàng mang tính bi kịch lên đến đỉnh điểm. Cũng vậy, trong những ký ức về vụ đắm tàu, mỗi khoảnh khắc được rọi sáng bởi những gì xảy ra sau đó. Hình ảnh con tàu rực sáng, bình thản, sừng sững trên biển khiến người ta thấy yên tâm; nhưng trong ký ức, trong giấc mơ của những người thoát nạn, theo như tôi hình dung, đó lại là một khoảnh khắc chờ đợi khủng khiếp. Tấn thảm kịch giờ đây được diễn trước một khán giả đã biết rõ cốt truyện, đã hiểu, anh ta nhấm nháp cơn hấp hối từng phút giây một. Nhưng ở trong chính sự kiện thì vị khán giả đó không tồn tại. Thiếu vắng suy tư, các cảm xúc đổi thay cùng lúc theo cảnh tượng, nói đúng hơn, không hề có cảnh tượng nào, mà chỉ có những cảm nhận bất ngờ, không được lý giải, gắn kết với nhau một cách lỏng lẻo, và nhất là hành động phủ kín lên suy nghĩ, suy nghĩ tan biến vào khoảnh khắc, hình ảnh nào cũng hiện ra để rồi tan biến đi. Sự kiện đã giết chết tấn thảm kịch. Những người chết không cảm thấy gì.

Cảm nhận chính là suy tư, là nhớ lại. Ai cũng từng để ý thấy ở các tai nạn lớn nhỏ, sự mới mẻ, sự bất ngờ, rồi hành động nghẹt thở buộc ta phải chú tâm để không còn cảm giác nào nữa, người nào thành thực tìm cách tự mình tái tạo sự kiện hẳn muốn nói rằng lúc ấy anh ta như đang sống trong một giấc mơ, không hiểu gì, không thấy trước gì, nhưng khi nghĩ đến nỗi kinh hoàng, anh ta cảm thấy nó lôi mình vào một câu chuyện đầy bi thảm. Cũng giống hệt như vậy ở những nỗi buồn sâu sắc, khi ta phải dõi theo bệnh tình của một ai đó cho tới lúc người ấy qua đời. Khi ấy ta như kẻ ngu ngốc, chỉ nhất nhất dốc toàn tâm toàn ý vào những hành động và tri nhận của từng khoảnh khắc. Dẫu rằng ta mang tới cho những người khác hình ảnh về nỗi kinh hoàng hay niềm tuyệt vọng, thì cũng không phải là ta đã đau khổ vào đúng khoảnh khắc đó. Và những người nghĩ quá nhiều đến những nỗi khốn khổ của mình, lúc kể lại chúng, họ nhằm mua nước mắt người khác, họ còn tìm thấy ở trong hành động này một ít khuây khỏa nữa cơ.

Dù cho những người chết từng cảm thấy gì chăng nữa, thì cái chết cũng đã xóa đi hết cả. Trước khi chúng ta kịp mở báo ra đọc, khổ hình của họ đã chấm dứt từ lâu, họ đã lành bệnh. Ý tưởng này ai cũng thấy quen cả, thành ra tôi nghĩ rằng ta không thực sự tin có một cuộc sống sau khi chết. Nhưng trong trí tưởng tượng của người sống sót, người chết cứ thế chết mãi không ngừng.

24 tháng tư 1912

(1) Alain viết bài này chỉ 9 ngày sau vụ đắm tàu Titanic (15/4/1912).

(2) Ở đây Alain viết có 1.800 nạn nhân trong vụ đắm tàu, nhưng theo con số chính thức thì có khoảng 1.500 người chết.

(3) Vở kịch nổi tiếng của Shakespeare với rất nhiều âm mưu và tội ác, cùng nhân vật “Lady Macbeth” đáng sợ.

Advertisement

Written by Ngo Bao Chau

11/01/2014 at 03:23

Posted in Sách

Tagged with

Nhìn ra xa

with 51 comments

Trích từ “Alain nói về hạnh phúc” sẽ sớm xuất hiện trong tủ sách Cánh cửa mở rộng. Sách được một nhóm dịch giả dịch, còn khổ chủ biên tập.

*****

Với một người u sầu, tôi chỉ có một điều để nói: “Hãy nhìn ra xa.” Gần như người ủ ê luôn là người đọc quá nhiều. Mắt người không hợp với khoảng cách này, chỉ khi nhìn vào một khoảng không rộng lớn, mắt mới được nghỉ ngơi. Khi ngắm sao hay nhìn về đường chân trời ngoài biển, mắt hoàn toàn được thư giãn, và khi mắt được thư giãn thì đầu óc sẽ được tự do, bước chân sẽ chắc chắn hơn, tất cả các cơ quan đều được buông xả và duỗi ra từ từ cho đến tận lục phủ ngũ tạng. Nhưng đừng cố duỗi ra bằng ý chí, cái ý chí nó đè lên bạn và làm mọi thứ hỗn loạn lên và cuối cùng bóp nghẹt lấy cổ bạn. Đừng nghĩ đến chính bản thân bạn, mà hãy nhìn ra xa.

U sầu là một căn bệnh, hoàn toàn đúng. Bác sĩ thỉnh thoảng có thể đoán được nguyên nhân và cho thuốc. Nhưng phương thuốc này lại bắt ta quan tâm tới cơ thể, lo lắng để chấp hành  một chế độ ăn kiêng sẽ làm hỏng hiệu ứng của phương thuốc. Đó là lý do tại sao vị bác sĩ, nếu ông ấy khôn ngoan ra, sẽ gửi bạn đến một triết gia. Nhưng khi bạn đến gặp triết gia, bạn sẽ thấy gì? Bạn sẽ thấy một người nằm trên giường quá nhiều, có tư duy cận thị, một người còn u sầu hơn cả bạn.

Nhà nước cần mở trường học thông thái giống như trường y. Học thông thái bằng cách nào? Bằng khoa học thực sự, tức là bằng sự chiêm nghiệm mọi vật, và bằng thi ca rộng lớn như thế giới. Bởi nguyên lý hoạt động của nó là nghỉ ngơi khi được nhìn về chân trời rộng lớn, con mắt dạy cho chúng ta một sự thật to lớn. Tư duy phải giải phóng cho cơ thể và trả nó về cho Vũ trụ, nơi mới đích thực là quê hương của chúng ta. Có một mối liên quan sâu sắc giữa số phận con người và những chức năng trong cơ thể chúng ta. Con vật, khi những thứ xung quanh để cho nó yên, sẽ nằm lăn ra và ngủ; con người thì suy nghĩ, và nếu đó là một suy nghĩ của con vật thì quả thật là bất hạnh cho anh ta. Như thế là anh ta làm cho nỗi khổ và nhu cầu của mình tăng lên gấp đôi, như thế là anh ta tự làm mình mệt mỏi bằng sợ hãi và ảo vọng, những cái làm cơ thể anh ta căng thẳng, kích động, những cái bắt anh ta lao mình theo nhiều thứ, tự kiềm tỏa mình bởi trò đùa của trí tưởng tượng, luôn luôn nghi hoặc, luôn luôn dè chừng mọi người và mọi thứ quanh anh ta. Và khi anh ta muốn tự giải thoát cho mình, anh ta liền đắm mình vào trong những cuốn sách, cũng là một thứ vũ trụ đóng, quá gần mắt anh ta, quá gần những cảm xúc của anh ta. Tư duy biến mình thành nhà tù mà cơ thể phải chịu đựng, bởi có nói rằng tư duy đang thu hẹp lại hay nói rằng cơ thể đang chống lại chính nó, thì cả hai cái đó cũng chỉ là một. Người có nhiều tham vọng sửa đi sửa lại hàng nghìn lần bài diễn thuyết của mình như người đang yêu sửa đi sửa lại lời thề nguyện. Tư duy phải được du ngoạn và phải được chiêm nghiệm, như thế cơ thể của ta mới cảm thấy dễ chịu.

Khoa học dẫn chúng ta đến điều đó, với điều kiện là khoa học không được tham vọng, không được khoác lác, không được vội vã; với điều kiện là khoa học đưa chúng ta ra khỏi những cuốn sách và mang tầm nhìn của chúng ta tới những chân trời xa. Tức là, khoa học phải là tầm nhìn và phải là du ngoạn. Một vật thể, qua những đặc tính thật mà bạn khám phá được, sẽ dẫn bạn tới một vật thể khác rồi tới hàng nghìn vật thể khác, rồi vùng nước xoáy của con sông sẽ mang tư duy của bạn tới những cơn gió, những đám mây, đến tận các tinh hà. Hiểu thật sự không bao giờ chỉ là một cái gì nhỏ bé gần mắt ta, bởi vì hiểu chính là hiểu xem cái nhỏ bé ấy được liên kết tới cái toàn thể như thế nào, không có gì tồn tại do chính nó, và như vậy cái chuyển động đúng đắn sẽ phải đẩy chúng ta ra xa khỏi bản thân mình, cái vừa tốt cho tinh thần cũng vừa tốt cho mắt. Qua đó tư duy của bạn sẽ được nghỉ ngơi trong vũ trụ, chỗ vốn là địa hạt của nó, sẽ hòa hợp với cuộc sống ở trong cơ thể bạn, cái cuộc sống liên đới với mọi thứ. Khi một người theo đạo thiên chúa nói rằng “Bầu trời là quê hương của con”, anh ta không biết mình đã nói đúng đến thế nào. Hãy nhìn ra xa.

15 tháng năm 1911

Written by Ngo Bao Chau

02/01/2013 at 03:25

Posted in Sách

Tagged with ,