Posts Tagged ‘Cánh cửa mở rộng’
Lời giới thiệu cho bản dịch của The magic mountain
Khi tới nhà điều dưỡng để thăm anh họ của mình, kỹ sư Hans Castorp không biết trước rằng, thay vì ở đó một vài tuần như dự định, anh sẽ ở lại nhiều năm, suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết dày ngàn trang của Thomas Mann.
Với những người bạn Âu châu mà tôi trở nên đủ thân thiết để hỏi: cuốn tiểu thuyết nào là cuốn bạn thích nhất, câu trả lời “The magic mountain” xuất hiện với một tần suất lớn đáng ngạc nhiên. Tôi thử tự lý giải như thế này:
Các nhân vật chính hay phụ trong sách: từ Hans Castorp người đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời trong khu điều dưỡng cho những người lao phổi, Joachim Ziemssen người anh họ ốm yếu nhưng chỉ có một hoài bão là được ra trận, bà Chauchat người phụ nữ mà Hans Castorp yêu trong tâm tưởng và ghen tuông, bác sĩ trưởng Behrens, nhà hiền triết Settembrini cho đến ông Pepperkorn, chồng của bà Chauchat người chỉ xuất hiện vào nửa cuối của truyện, đều là những nhân vật vô cùng đặc sắc.
Đây là một cuốn sách đậm đặc phong vị của châu Âu, đầy sự lịch lãm và hài hước, những gì mà người châu Âu coi là sự biểu đạt của văn hoá.
Nhưng cái quan trọng nhất có lẽ lại là cái khác. Đó là thái độ của Hans đối với một cuộc sống tù túng và vô nghĩa, cuộc sống của người bệnh nằm dài ngoài ban công của toà nhà điều dưỡng, mình cuộn trong tấm chăn mỏng dệt từ lông lạc đà, miệng ngậm hàn thử biểu, nằm để chờ đợi một cái gì khủng khiếp xảy ra, có thể là cái chết, có thể là chiến tranh. Cả chiến tranh và cái chết sẽ đều tới thật. Tiếp nhận cuộc sống như một tấn bi kịch tàn độc và vô nghĩa, với một nụ cười tủm tỉm là lựa chọn của Hans, có lẽ của Thomas Mann và của nhiều người trong số chúng ta.
(Sách sắp ra của tủ sách Cánh cửa mở rộng)
Lời giới thiệu cho bản dịch của The invention of solitude
Tôi biết đến “The invention of solitude” của Paul Auster qua bài viết “Đau lòng sổ bụi, những bức thư không gửi” của Trần Trọng Vũ. Anh Vũ viết bài này trong khi biên soạn và chọn lọc từ di cảo khổng lồ của bố anh, nhà thơ Trần Dần để in thành sách. Trong bài, anh Vũ viết: “Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội. Phải đợi nhiều thời gian sau tôi mới cảm thấy sẵn sàng mở lại di cảo của ông. Nhưng không phải với hy vọng được xích lại gần với ông hơn, không phải để hiểu ông hơn. Cũng không phải vì sợ mất ông. Tôi đã không thể xử sự được như trong văn học.” Những lời này hình như để phân biệt để việc anh đi tìm “bản gốc” của Trần Dần với hành trình ngược thời gian của Paul Auster.
Ba năm sau khi đọc bài viết của anh Trần Trọng Vũ, tôi mới tìm đọc “The invention of solitude”, vào lúc mà chính tôi cảm thấy nhu cầu lục lọi lại quá khứ, một quá khứ tưởng chừng như đang tuột khỏi tay mình. Đọc quyển sách này đối với tôi là một sự cứu rỗi.
Tôi hiểu ra rằng Paul Auster dọn dẹp lại đống đồ cũ trong ngôi nhà cũ cùng với chồng chất ký ức không phải vì ông hy vọng hiểu hơn về người bố đã mất, không phải để xích lại gần, không phải vì sợ mất cái mà đằng nào cái chết cũng đã lấy đi. “Đi tìm thời gian đã mất” chỉ có thể là tên của một quyển sách. Cái mà Paul Auster tìm thấy là cái mà ông chưa bao giờ có, hoặc là chưa bao giờ biết rằng mình có. Đó là tình yêu. Chỉ thời gian mới là cái lọc để cho ta chắt từ cuộc đời ra tình yêu đích thực.
(Sách sắp ra của tủ sách Cánh cửa mở rộng)
Nụ cười
Trích từ “Alain nói về hạnh phúc”, bản dịch của Cao Việt Dũng, Nguyễn Vũ Hưng và Hồ Thanh Vân.
*****
Tôi cho rằng tâm trạng buồn rầu vừa là nguyên nhân vừa là kết quả, thậm chí tôi còn nghiêng về hướng cho rằng phần lớn bệnh tật có là do chúng ta bỏ quên phép lịch sự mà ra. Ý tôi muốn nói đến sự hung bạo của cơ thể con người lên chính nó. Cha tôi đã có thời gian để quan sát súc vật trong công việc của mình (1), thấy rằng tuy chịu cùng những điều kiện như con người và có xu hướng lạm dụng ngang với con người, súc vật ít đau ốm hơn người. Điều đó làm ông kinh ngạc. Ấy là vì con vật không có tâm trạng, ý tôi muốn nói đến cáu giận, mệt mỏi, hay chán chường, những cái do chính tư duy con người dung dưỡng. Ví dụ, ai cũng biết rằng đầu óc ta tức tối vì khó ngủ lúc nó muốn ngủ, và chính sự căng thẳng ấy làm cho nó mất ngủ. Những khi khác, lo lắng những gì tệ hại nhất, đầu óc để cho những ảo tưởng đen tối chi phối và và gây nên một tâm trạng lo âu, cái cản trở quá trình lành bệnh. Chỉ cần trông thấy cái cầu thang là tim ta đột nhiên thắt lại, vì một hiệu ứng tưởng tượng bóp nghẹt hơi thở, đúng vào lúc mà ta cần thở thật nhiều. Còn cáu giận đúng là một dạng bệnh tật, giống như ho, người ta thậm chí còn có thể xem ho như một loại bực tức. Mặc dù ho có nguyên nhân ở trong tình trạng cơ thể, nhưng trí tưởng tượng mong chờ cơn ho và có khi còn đi tìm nó, với ý tưởng điên rồ muốn giải thoát khỏi cơn bệnh bằng cách làm cho nó trầm trọng thêm, y hệt như những người gãi ngứa. Tôi biết là con vật cũng gãi, đến mức tự hại mình, nhưng con người độc quyền trong cái khả năng nguy hiểm là biết gãi bằng tư duy, một cách trực tiếp, bằng cảm xúc của mình mà kích động tim và làm tăng huyết áp.
Tạm bỏ qua cảm xúc vì không phải cứ muốn là ta có thể thoát khỏi chúng. Người ta chỉ làm được điều đó bằng nguyên tắc đường vòng, như một người đủ khôn ngoan để không theo đuổi danh vọng, để khỏi bị cuốn tới chỗ ham hố nó. Tâm trạng buồn rầu trói chặt ta, bóp nghẹn, chẹt cổ ta bằng cái hiệu ứng duy nhất mà chúng ta có trong tình trạng của một cơ thể hướng về nỗi buồn và dung dưỡng nỗi buồn ấy. Người đang buồn chán có cách ngồi, đứng, nói năng đặc trưng để dung dưỡng nỗi buồn chán. Kẻ cáu giận thì gò mình lại theo một cách khác, còn kẻ chán nản lại nới lỏng, tôi có thể nói gần như buông lỏng cơ bắp được chừng nào hay chừng ấy, thay vì tự cho mình một phiên xoa bóp cho ra trò, cái mà cơ thể anh ta đang cần.
Phản ứng chống lại tâm trạng tuyệt nhiên không phải là chuyện đánh giá, đánh giá không làm được gì cả. Cái ta cần làm là thay đổi thái độ và cử chỉ một cách hợp lý, bởi vì các cơ hoạt năng là phần duy nhất của cơ thể mà ta có thể kiểm soát. Mỉm cười, nhún vai, là những động tác quen thuộc chống lại sự lo lắng. Xin lưu ý rằng những vận động rất dễ này có thể làm thay đổi tức thì tuần hoàn nội tạng. Ta có thể thoải mái duỗi mình và tự làm cho mình ngáp, đây là bài thể dục chữa lo lắng và bồn chồn tốt nhất. Thế mà kẻ nôn nóng không biết cách giả bộ dửng dưng, giống như người mất ngủ không biết cách giả vờ ngủ. Ngược hẳn lại, tâm trạng tồi tệ tự nó nói với nó, tự nó dung dưỡng nó. Thiếu đi sự khôn ngoan, ta phải viện tới phép lịch sự, chúng ta phải tìm đến nghĩa vụ mỉm cười. Đấy là lý do tại sao mà ta lại thích giao du với những người bàng quan đến thế.
20 tháng tư 1923
(1) Cha của Alain làm nghề chăn ngựa.
Nhìn ra xa
Trích từ “Alain nói về hạnh phúc” sẽ sớm xuất hiện trong tủ sách Cánh cửa mở rộng. Sách được một nhóm dịch giả dịch, còn khổ chủ biên tập.
*****
Với một người u sầu, tôi chỉ có một điều để nói: “Hãy nhìn ra xa.” Gần như người ủ ê luôn là người đọc quá nhiều. Mắt người không hợp với khoảng cách này, chỉ khi nhìn vào một khoảng không rộng lớn, mắt mới được nghỉ ngơi. Khi ngắm sao hay nhìn về đường chân trời ngoài biển, mắt hoàn toàn được thư giãn, và khi mắt được thư giãn thì đầu óc sẽ được tự do, bước chân sẽ chắc chắn hơn, tất cả các cơ quan đều được buông xả và duỗi ra từ từ cho đến tận lục phủ ngũ tạng. Nhưng đừng cố duỗi ra bằng ý chí, cái ý chí nó đè lên bạn và làm mọi thứ hỗn loạn lên và cuối cùng bóp nghẹt lấy cổ bạn. Đừng nghĩ đến chính bản thân bạn, mà hãy nhìn ra xa.
U sầu là một căn bệnh, hoàn toàn đúng. Bác sĩ thỉnh thoảng có thể đoán được nguyên nhân và cho thuốc. Nhưng phương thuốc này lại bắt ta quan tâm tới cơ thể, lo lắng để chấp hành một chế độ ăn kiêng sẽ làm hỏng hiệu ứng của phương thuốc. Đó là lý do tại sao vị bác sĩ, nếu ông ấy khôn ngoan ra, sẽ gửi bạn đến một triết gia. Nhưng khi bạn đến gặp triết gia, bạn sẽ thấy gì? Bạn sẽ thấy một người nằm trên giường quá nhiều, có tư duy cận thị, một người còn u sầu hơn cả bạn.
Nhà nước cần mở trường học thông thái giống như trường y. Học thông thái bằng cách nào? Bằng khoa học thực sự, tức là bằng sự chiêm nghiệm mọi vật, và bằng thi ca rộng lớn như thế giới. Bởi nguyên lý hoạt động của nó là nghỉ ngơi khi được nhìn về chân trời rộng lớn, con mắt dạy cho chúng ta một sự thật to lớn. Tư duy phải giải phóng cho cơ thể và trả nó về cho Vũ trụ, nơi mới đích thực là quê hương của chúng ta. Có một mối liên quan sâu sắc giữa số phận con người và những chức năng trong cơ thể chúng ta. Con vật, khi những thứ xung quanh để cho nó yên, sẽ nằm lăn ra và ngủ; con người thì suy nghĩ, và nếu đó là một suy nghĩ của con vật thì quả thật là bất hạnh cho anh ta. Như thế là anh ta làm cho nỗi khổ và nhu cầu của mình tăng lên gấp đôi, như thế là anh ta tự làm mình mệt mỏi bằng sợ hãi và ảo vọng, những cái làm cơ thể anh ta căng thẳng, kích động, những cái bắt anh ta lao mình theo nhiều thứ, tự kiềm tỏa mình bởi trò đùa của trí tưởng tượng, luôn luôn nghi hoặc, luôn luôn dè chừng mọi người và mọi thứ quanh anh ta. Và khi anh ta muốn tự giải thoát cho mình, anh ta liền đắm mình vào trong những cuốn sách, cũng là một thứ vũ trụ đóng, quá gần mắt anh ta, quá gần những cảm xúc của anh ta. Tư duy biến mình thành nhà tù mà cơ thể phải chịu đựng, bởi có nói rằng tư duy đang thu hẹp lại hay nói rằng cơ thể đang chống lại chính nó, thì cả hai cái đó cũng chỉ là một. Người có nhiều tham vọng sửa đi sửa lại hàng nghìn lần bài diễn thuyết của mình như người đang yêu sửa đi sửa lại lời thề nguyện. Tư duy phải được du ngoạn và phải được chiêm nghiệm, như thế cơ thể của ta mới cảm thấy dễ chịu.
Khoa học dẫn chúng ta đến điều đó, với điều kiện là khoa học không được tham vọng, không được khoác lác, không được vội vã; với điều kiện là khoa học đưa chúng ta ra khỏi những cuốn sách và mang tầm nhìn của chúng ta tới những chân trời xa. Tức là, khoa học phải là tầm nhìn và phải là du ngoạn. Một vật thể, qua những đặc tính thật mà bạn khám phá được, sẽ dẫn bạn tới một vật thể khác rồi tới hàng nghìn vật thể khác, rồi vùng nước xoáy của con sông sẽ mang tư duy của bạn tới những cơn gió, những đám mây, đến tận các tinh hà. Hiểu thật sự không bao giờ chỉ là một cái gì nhỏ bé gần mắt ta, bởi vì hiểu chính là hiểu xem cái nhỏ bé ấy được liên kết tới cái toàn thể như thế nào, không có gì tồn tại do chính nó, và như vậy cái chuyển động đúng đắn sẽ phải đẩy chúng ta ra xa khỏi bản thân mình, cái vừa tốt cho tinh thần cũng vừa tốt cho mắt. Qua đó tư duy của bạn sẽ được nghỉ ngơi trong vũ trụ, chỗ vốn là địa hạt của nó, sẽ hòa hợp với cuộc sống ở trong cơ thể bạn, cái cuộc sống liên đới với mọi thứ. Khi một người theo đạo thiên chúa nói rằng “Bầu trời là quê hương của con”, anh ta không biết mình đã nói đúng đến thế nào. Hãy nhìn ra xa.
15 tháng năm 1911
Con đường da cam
Vài lời của tác giả gửi bạn đọc Việt nam, do Cam Ly chuyển ngữ
Cuốn sách này bắt đầu từ hành trình đi tìm một đề tài cho luận văn tiến sĩ của tôi tại đại học Temple (Mỹ). Vào thời điểm đó, tôi quan tâm đến giao điểm của hai chủ để lớn: quan hệ quốc tế và các vấn đề môi trường. Đề tài Chất độc màu da cam là lựa chọn hoàn hảo, và điều đáng ngạc nhiên – và cũng là lý do “bật đèn xanh” cho tôi bắt tay vào nghiên cứu – chính là việc có quá ít tài liệu viết về đề tài này.
Cá nhân tôi thực sự biết rất ít ỏi về Chất độc màu da cam, vì thế tôi bắt đầu bằng việc đọc thật rộng về những gì đã được viết về đề tài này. Không lâu sau đó, tôi chọn được hướng tiếp cận đề tài khi được biết về sự kiện một nhóm các nhà khoa học hàn lâm Mỹ đã phản đối sử dụng chiến tranh chất độc trừ cỏ tại Việt Nam trong những năm 60, dựa trên những quan ngại về môi trường, nhân quyền, và luật quốc tế. May mắn là tôi đã phỏng vấn được tất cả các thành viên trong nhóm này trừ tiến sĩ Bert Pfeiffer vì ông đã qua đời trước đó vài năm. Dù vậy, tôi đã phỏng vấn được vợ ông, và được tiếp cận trọn bộ văn bản của tiến sĩ Pfeiffer trong đó chứa cực nhiều thông tin quí giá.
Trước khi sang Việt Nam thu thập tài liệu vào tháng 8-2007, tôi e ngại những nỗ lực của mình sẽ vấp phải những rào cản về ngôn ngữ và văn hoá, cộng thêm sự e dè có thể có trong việc thảo luận về một đề tài đã từng và vẫn đang là đề tài đau thương của Việt Nam. Khi sang đến nơi, tôi ngỡ ngàng và rất mừng khi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người tôi có dịp tiếp xúc, từ những quan chức sẵn sàng trò chuyện “không chính thức”, đến những cán bộ quản lý những vùng đất bị rải Chất độc màu da cam nặng nề, đến nhiều học giả và nhà khoa học đến giờ vẫn kiên định trong việc tìm con đường hàn gắn điều mà nhiều người gọi là “vết thương cuối cùng” của cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Điều mà tôi từng lo sẽ là cản ngại lớn nhất lại trở thành giai đoạn trôi chảy và dễ chịu nhất của hành trình nghiên cứu của mình. Trong khi đó, thử thách lớn nhất lại là làm thế nào để sắp xếp lại toàn bộ lượng tài liệu và thông tin ngồn ngộn mà tôi thu thập được trong suốt một năm điền dã.
… Cuối cùng, sau 5 năm làm việc, hàng chục ngàn trang tài liệu nghiên cứu, với tất cả những hy sinh mà vợ tôi đã dành cho tôi trong suốt hành trình, mọi thứ đã dồn lại trong cuốn sách nhỏ bé này… Với những bạn đọc bản dịch tiếng Việt, tôi muốn gửi gắm rằng việc chuyển ngữ và xuất bản cuốn sách này, với tôi, là thành tựu tối hậu của toàn bộ hành trình nghiên cứu của mình. Mặc dù cuốn sách tập trung nhiều vào chính sách và những nhân vật lịch sử, trên thực tế đây là câu chuyện về Việt Nam – về đất nước và con người Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, tôi đã nỗ lực hết mình để tìm hiểu, ghi nhận và tôn trọng góc nhìn của Việt Nam về đề tài khó khăn và đau lòng này. Tôi mong rằng, với bản dịch này, độc giả Việt Nam sẽ có thêm một góc nhìn về những gì đã diễn ra trong lòng nước Mỹ vào thời điểm đó, và biết thêm những thông tin lịch sử mà cho đến nay chưa được cung cấp rộng rãi.
Nếu tôi có thể tặng lại dù chỉ là một phần nhỏ của những gì mà tôi đã học hỏi được từ con người Việt Nam và tài liệu của Việt Nam trong những năm qua, tôi coi như mình đã đóng góp được một phần hữu dụng. Tôi thực sự cảm kích vì được có cơ hội giới thiệu những gì mình đã nghiên cứu được với bạn đọc Việt Nam, và mong nhận được phản hồi từ phía bạn đọc khi cuốn sách được phát hành.
David Zierler, tháng 11-2012
Zazie đi đâu?
Mẹ gửi Zazie lên Paris cho chú Gabriel trông. Zazie không quan tâm đến những cung điện tráng lệ, những di tích văn hoá và lịch sử mà chỉ thích đi tàu điện ngầm. Bạn đang cầm trong tay mình cuộc phiêu lưu của cô bé mới có mười ba tuổi nhưng đã đủ tinh ranh để mọi người xung quanh, trong đó có vũ công Gabriel, hồng hộc chạy theo cả tuần.
Đây còn là cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ hàng ngày được Raymond Queneau nhào nặn thành những tổ hợp cũng ngộ nghĩnh, tinh ranh không khác gì Zazie. Khi tiếng lóng bị buộc vào những cấu trúc trừu tượng của ngữ pháp, nó làm chúng ta bật cười, một nụ cười hồn nhiên, vô tư, không hề gợn mỉa mai, chua chát.
Cả tôi và bạn đều cần cái nụ cười ấy lắm, để còn có sức khoẻ mà sống với cuộc sống xung quanh, một cuộc sống nhiều khi chỉ toàn một màu xám xịt.
Quay quanh mặt trời
Nhặt lại từ blog cũ.
Ai cũng đã từng thắc mắc, tại sao vạn vật thì hấp dẫn nhau mà hành tinh của chúng ta vẫn nhởn nhơ quay quanh chứ không bị hút tịt vào mặt trời.
Cụ Nhiêu Tân nghĩ mãi mới ra. Cụ còn nhân thể nghĩ ra cái gọi calculus. May có cụ, không thì toàn thể các nhà toán học Mỹ sẽ đói nặng, không biết dạy cái gì. Bạn không biết chứ calculus thực ra là cần câu lươn. Nhưng vì có máu nghệ sĩ, cụ đã viết toàn bộ quyển principia với ngôn ngữ thuần túy hình học phẳng, tuyệt nhiên không trộn tí calculus nào.
Chẳng hạn cụ vẽ cái quạt như ở trên. Trục quạt O là mặt trời. Các điểm A, B, C … mô tả quĩ đạo của hành tinh quay quanh mặt trời. Nhận xét của cụ Nhiêu Tân là diện tích quét của nan quạt OA trong một đơn vị thời gian là không đổi. Vì diện tích này là không đổi, hành tinh kia khó mà tiến quá gần vào với mặt trời.
Cụ lý luận như thế này : trong một tích tắc, hành tinh nhỏ bé chuyển động từ A đến B. Nếu không có lực hấp dẫn của mặt trời, nó sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều để đến điểm c nhỏ vào tích tắc tiếp theo. Ở đây B là trung điểm của đoạn Ac cho nên hai tam giác OAB và OBc có diện tích bằng nhau.
Tuy nhiên, vì lực hấp dẫn của mặt trời, trong thực tế, hành tinh nhỏ bé không di chuyển tới c nhỏ, mà lại di chuyển tới điển điểm C to. Vec tơ cC thể hiện ảnh hưởng của lực hấp dẫn của mặt trời vào thời điểm mà hành tinh còn ở điểm B, cho nên nó song song với OB. Vì vậy diện tích của hai tam giác OBc và OBC là bằng nhau. Đọc tiếp »
René Leys
Segalen không phải là một nhà văn được nhiều người biết đến. Dòng văn học lữ hành phương Tây, tiêu biểu là Loti, có xu hướng mô tả Phương Đông như một mảnh đất đầy hứa hẹn để phát triển kinh tế du lịch. Có lẽ chính vì Segalen không viết những gì người ta mong đợi ở một nhà văn lữ hành mà ông ít được biết đến. Nhưng số ít những người biết ông lại rất yêu văn ông, và đặc biệt yêu René Leys.
Những người thích đi là những người muốn khám phá những mảnh đất khác, những con người khác. Nhưng hiểu người khác và sống cuộc sống của họ thật khó làm sao. Dù có mở lòng đến đâu, mình vẫn là mình còn người ta vẫn là người ta.
Sách bạn đang cầm trên tay là quyển nhật ký hư cấu của Victor Segalen ghi lại những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của René Leys trong bối cảnh một triều đại Mãn Thanh suy tàn. Chàng trai trẻ Leys có những tố chất mà Segalen không có để thâm nhập vào thế giới
quyền quý Mãn Thanh. Để thực hiện giấc mơ của mình là vào tử cấm thành, quan sát thâm cung từ bên trong, Segalen tự đặt mình vào vai của Leys bằng liệu pháp tưởng tượng. Làm như vậy Segalen không ngờ rằng sống một cuộc sống khác theo lời kể của người khác là một quá trình đầy rủi ro và nguy hiểm, cho cả người nghe và người kể chuyện.
Khi đọc quyển sách này, bạn đang tự đặt mình vào vai của Segalen, người tự đặt mình vào vai Leys để khám phá thế giới Mãn Thanh qua hai lần liệu pháp tưởng tượng. Một chút rủi ro nguy hiểm còn lại, bạn hãy lấy nó làm niềm vui.
Nils
NXB Trẻ sẽ cho ra mắt năm quyển sách đầu tiên của tủ sách Cánh cửa mở rộng vào ngày 11/11/11 sắp tới. Trong quá trình thai nghén, tủ sách này đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều bạn bè. Xin đặc biệt cảm ơn anh Nam An và anh Đàm Thanh Sơn. Phan Việt đã giới thiệu hai quyến sách khác trong số năm quyển này, ở đây và ở đây.
Bản dịch Nils được sử dụng là bản của cố dịch giả Hoàng Thiếu Sơn. Đây có lẽ là cuốn sách đã có dấu ấn lớn nhất trong ký ức niên thiếu của tôi. Nó cũng là cuốn sách duy nhất mà tôi đã đọc cả bản tiếng Việt (cho mình), bản tiếng Pháp (cho Hin) và bản tiếng Anh (cho Cécile).
Lời giới thiệu cho “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nils” của Selma Lagerlof.
Nils là một đứa trẻ hư, hay bắt nạt súc vật và những sinh linh yếu ớt hơn mình. Cũng vì thế mà Nils bị trừng phạt; bị biến thành người tý hon cho các con vật bắt nạt. Không còn lựa chọn, Nils ra đi trên lưng những con ngỗng trời ngao du vòng quanh đất nước Thụy Điển. Chính những con ngỗng trời đã dạy cho Nils tính nhân hậu và lòng dũng cảm, trước khi quay lại cuộc sống bình thường.
“Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nils” là một tác phẩm kinh điển của Selma Lagerlof. Sách viết cho trẻ nhỏ nhưng có khả năng thức tỉnh cho cả những người không còn trẻ nữa.