Posts Tagged ‘Trần Dần’
Chân dung của người đàn ông tàng hình
Đây là bản dịch mấy trang đầu trong cuốn The invention of solitude của Paul Auster. Người dịch Ngô Thị Thuận.
*****
Đi tìm sự thật, bạn hãy chuẩn bị đối mặt với những gì không mong đợi, vì sự thật đã khó thấy, lại còn khó hiểu khi bạn tìm ra nó. Heraclitus
Hôm đó anh còn sống. Một người vẫn ở trong trạng thái sức khoẻ tốt nhất, chưa già, cũng chẳng có bệnh tật gì. Mọi sự vốn thế, và tưởng như sẽ như thế mãi. Từ ngày này qua ngày khác, anh chỉ chú tâm đến công việc của mình, rồi mơ về phần của cuộc sống còn đang ở phía trước. Rồi bỗng nhiên anh lăn ra chết. Khẽ thở dài, gục xuống trong cái ghế đang ngồi, thế là chết. Cái chết đến đột ngột không dành lại dù chỉ một chỗ trống cho suy tư, không để lại dù là một cơ hội để lý trí tìm ra một lời an ủi cho chính mình. Không còn gì khác ngoài cái chết, và cái thực tế bất khả qui rằng bản thân chúng ta cũng sẽ chết. Ta có thể cam chịu cái chết xảy ra sau một thời gian bệnh tật kéo dài. Đối với cái chết do tai nạn, ta cũng còn có thể đổ cho số phận. Nhưng một người chết mà không có lý do hiển nhiên, một người chết chỉ đơn giản vì anh ta là người, kéo ta đến gần tới biên giới vô hình giữa cuộc sống và cái chết, gần đến nỗi ta không còn biết mình đang đứng ở bên nào nữa. Cuộc sống trở thành cái chết cứ như là cái chết đã sở hữu cuộc sống ngay từ đầu. Cái chết không được báo trước. Có nghĩa là cuộc sống đã dừng lại, vậy thôi. Và nó có thể dừng lại vào bất kỳ lúc nào.
Tôi biết tin bố chết từ ba tuần trước. Đấy là một buổi sáng chủ nhật, tôi chuẩn bị bữa sáng cùng với cậu con trai nhỏ, Daniel. Ở tầng trên, vợ tôi vẫn nằm trong giường, ấm áp dưới tấm chăn nhồi bông, tận hưởng vài giờ ngủ nướng. Mùa đông ở làng quê là thế giới của sự im lặng, của củi và khói, và của màu trắng. Trong đầu tôi còn ngổn ngang đoạn văn viết dở đêm trước, chỉ thầm mong đến chiều để có thể quay lại với công việc. Lúc đó điện thoại đổ chuông. Biết ngay là có chuyện không lành. Chẳng có ai gọi điện thoại vào tám giờ sáng chủ nhật trừ khi họ phải thông báo một cái tin gì đó không thể chờ được. Tin không thể chờ được bao giờ cũng là tin dữ.
Tôi không điểm danh được dù chỉ một ý nghĩ sáng sủa.
Ngay trước khi gói ghém đồ đạc chuẩn bị cho ba giờ lái xe đi New Jersey, tôi đã biết mình sẽ phải viết về bố. Tôi không có dự định gì cả, không hiểu chính xác về ý nghĩa của việc đó. Tôi thậm chí không còn nhớ là mình đã quyết định làm thế. Chỉ đơn giản là có cái nghĩa vụ đó, nó áp đặt lên tôi, kể từ thời điểm tôi được báo tin. Tôi nghĩ rằng bố đi rồi. Nếu bây giờ không hành động nhanh thì cả cuộc đời ông sẽ biến đi cùng với ông.
Bây giờ nhìn lại, thậm chí từ một khoảng cách vẻn vẹn là ba tuần, tôi nhận thấy đây là một quyết định khá là kỳ quặc. Tôi tưởng rằng cái chết sẽ làm tôi tê liệt, bất động trong sự đau khổ. Nhưng bây giờ khi nó đã xảy ra, tôi không nhỏ được một giọt nước mắt, tôi cũng chẳng hề có cảm giác thế giới sụp đổ xung quanh mình. Một cách kỳ lạ nào đó, tôi đã tự chuẩn bị rất tốt để chấp nhận cái chết của bố. Cái làm tôi rối trí hơn lại là một cái gì đó khác, một cái không liên quan gì đến cái chết hay tôi trả lời gì với cái chết, mà là tôi nhận ra rằng bố đã ra đi mà không để lại dấu vết.
Bố tôi không có vợ, không có gia đình phụ thuộc vào ông, không có ai mà cuộc sống phải bị xáo trộn bởi cái chết của ông. Có lẽ có một vài người bạn tản mát đâu đó sẽ bị sốc giây lát, vào lúc mà tính thất thường của cái chết chợt làm họ sực tỉnh ít nhiều, sốc bởi mất đi một người bạn, nhưng gian đoạn phiền muộn sẽ kéo dài không lâu, và rồi thì sẽ không có gì nữa cả. Cuối cùng thì mọi việc sẽ diễn ra y như là bố tôi chưa bao giờ từng sống.
Ngay cả lúc chưa chết, ông đã là người vắng mặt, từ lâu những người gần gũi ông đã học được cách chấp nhận sự vắng mặt như là một phầm chất căn bản của con người ông. Bây giờ khi ông đi rồi, không có mấy khó khăn để thiên hạ tiếp nhận thực tế ông đã ra đi mãi mãi. Cái cách ông sống đã chuẩn bị cho thiên hạ chấp nhận cái chết của ông, như một dạng chết được dự báo, và nếu ông có được người ta nhớ tới thì cũng chỉ nhạt nhoà, không hơn nhạt nhoà là bao.
Ông không hề có đam mê, với ngoại vật hay với con người, cũng chả mê ý tưởng. Không có khả năng hoặc không muốn bộc lộ mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông tự thu xếp cho mình một khoảng cách với cuộc sống, để tránh phải nhúng mình vào trong sự sinh động của ngoại vật. Ông ăn, ông đi làm, ông có bạn, ông chơi tennis, và với cả ngần ấy thứ ông vẫn không hề có mặt. Theo cái nghĩa bất di bất dịch nhất, sâu thẳm nhất, ông là một người tàng hình. Tàng hình với người khác, và có vẻ đúng nhất là tàng hình với cả chính mình. Nếu như khi ông còn sống, tôi đã luôn đi tìm ông, cố tìm người cha vắng mặt, đến bây giờ khi ông đã chết, tôi vẫn cảm thấy tôi vẫn phải tiếp tục đi tìm ông. Cái chết không làm thay đổi cái gì cả. Cái khác duy nhất là thời gian của tôi đã hết.
Trong vòng mười lăm năm, ông sống một mình. Nhẫn nại, mờ đục, dường như miễn nhiễm với ngoại vật. Ông không giống như người chiếm một khoảng không gian, mà y như là một khoảng không gian không thể xuyên thủng, có hình người. Ngoại vật đập vào ông, vỡ tan khi đụng vào ông, đôi lúc dính vào, nhưng không xuyên qua được. Trong vòng mười lăm năm, ông lủi thủi trong một căn ngoại cỡ, một mình tự làm mọi việc, rồi chết ở trong căn nhà đó.
Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã cùng sống trong căn nhà đó giống như một gia đình bao gồm bố, mẹ, em gái tôi và tôi. Sau khi bố mẹ ly dị, mọi người phân tán, mẹ bắt đầu một cuộc sống mới, tôi đi học đại học, em gái ở với mẹ cho đến lúc cô ấy cũng đi học. Chỉ có bố là ở lại. Vì có một điều khoản trong thoả thuận ly dị quy định rằng mẹ sẽ sở hữu một phần của cái nhà và được chia một nửa số tiền thu được nếu bán nhà (vì thế mà bố không muốn bán), hoặc tựa như một cách từ chối thầm lặng đối với mọi thay đổi trong cuộc sống (như để chỉ ra cho thiên hạ thấy rằng việc ly dị không hề ảnh hưởng đến ông theo cái cách mà ông không kiểm soát được), hoặc chỉ đơn giản vì quán tính, như một trạng thái xúc cảm hôn mê ngăn ông trong mọi hành động, cho nên ông vẫn ở đó, một mình trong ngôi nhà đáng ra có thể chứa tới sáu, bảy người.
Đó là một chỗ ở ấn tượng: cổ kính, kiên cố, theo kiểu Tudor, có cửa sổ khung chì, có mái làm bằng đá phiến, có những căn phòng với kích thước vương giả. Tậu căn nhà này là một bước đi lớn của bố mẹ, là dấu hiệu của sự phát tài. Nó nằm trong khu phố tốt nhất của thành phố, dầu không hẳn là một nơi dễ chịu cho sinh hoạt (nhất là cho trẻ con), nhưng vẻ oai vệ làm át đi vẻ tang tóc của nó. Thực tế cho thấy cuối cùng thì ông cũng đã sống phần còn lại của đời mình trong cái nhà đó, dù cho thật mỉa mai, lúc đầu thì ông chống lại việc chuyển đến đây. Ông than về giá (đây là đề tài bất di bất dịch), và đến khi ông chịu thì cũng là với thái độ miễn cưỡng, khó chịu. Tuy thế, ông thanh toán bằng tiền mặt. Tất cả trong một lần. Không cần tín dụng, không cần thanh toán hàng tháng. Đấy là vào năm 1959 khi việc kinh doanh của ông đang thuận buồm xuôi gió.
Là con người của thói quen, ông luôn dạy sớm đi làm buổi sáng, làm quần quật cả ngày, rồi khi về nhà (vào những ngày không làm việc trễ) thì ngủ một giấc trước giờ ăn tối. Một vài lần vào trong tuần đầu ở nhà mới, trước khi nhà tôi dọn hẳn vào, ông có một nhầm lẫn kỳ quặc. Thay vì lái xe về nhà mới sau giờ làm việc, ông lái thẳng về nhà cũ, như ông đã từng làm thế trong nhiều năm trời, đỗ xe vào ngõ, bước vào nhà bằng cổng sau, lên cầu thang, đi vào phòng ngủ, nằm lăn ra giường, và rồi ngủ thiếp đi. Ông ngủ khoảng một tiếng. Không cần phải nói, khi bà chủ mới của căn nhà quay về, nhìn thấy một người lạ ngủ trên giường của mình thì bà ta hơi ngạc nhiên. Nhưng không giống cô bé Goldilocks , bố tôi không nhảy bật dạy và chạy trốn. Sự nhầm lẫn này cuối cũng được giải quyết, và tất cả mọi người được một trận cười. Ngay đến hôm nay, chuyện ấy vẫn làm cho tôi cười. Tuy việc chỉ có thế, tôi vẫn không thể không cho rằng đây là một câu chuyện thê thảm. Đã đành một người có thể lái xe về nhà cũ vì nhầm lẫn, nhưng nếu anh ta không nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào trong đó thì là một câu chuyện hơi khác. Ngay cả một cái đầu mệt mỏi nhất, đãng trí nhất vẫn còn một góc phản xạ thuần tuý bản năng, định vị cho cơ thể. Người ta phải hoàn toàn vô thức thì mới không nhìn thấy, hoặc ít nhất là không cảm thấy, cái nhà không còn như trước. “Thói quen”, như một nhân vật của Beckett nói, “là một loại thuốc rất mạnh gây u mê”. Và nếu cái đầu không còn khả năng phản ứng với tín hiệu vật lý, thì nó sẽ phải xoay xở thế nào đây với những tín hiệu của cảm xúc.
Trong mười lăm năm cuối, ông không thay đổi bất kỳ cái gì ở trong nhà. Ông không thêm vào bất kỳ đồ đạc nào, ông cũng không bỏ đi. Tường giữ nguyên màu, nồi chảo không được thay, ngay cả quần áo của mẹ tôi cũng không vứt đi mà được dọn lên tầng áp mái. Chính kích thước của cái nhà đã miễn cho ông phải quyết định xem nó cần chứa cái gì. Không phải là ông bám vào quá khứ, giữ cái nhà giống viện bảo tàng. Ngược lại, ông có vẻ không để ý xem mình đang làm gì. Cái lãnh đạo con người ông là sự cẩu thả, chứ không phải ký ức, và mặc dù ông đã sống trong ngôi nhà ngần ấy năm, ông vẫn sống ở đó như một người lạ. Những năm qua đi, ông dành thời gian ở đó mỗi ngày một ít. Hầu như bữa nào ông cũng ăn ở ngoài quán, sắp xếp lịch giao tiếp xã hội thế nào để tối nào cũng bận, và sử dụng cái nhà chỉ hơn chỗ để ngủ một chút. Một lần, cách đây vài năm, tôi tình cờ nói với ông về số tiền tôi kiếm được bằng công việc viết lách và dịch thuật trong năm vừa qua (một đồng lương rẻ mạt theo bất kỳ chuẩn mực nào, nhưng còn hơn những gì tôi kiếm được trước đó), và câu trả lời thích thú của ông ấy là ông còn tiêu nhiều hơn như thế, chỉ riêng trong việc đi ăn quán. Cái cơ bản là tâm điểm của cuộc sống không phải là nơi ông ở. Cái nhà chỉ là một trong những điểm dừng trong sự tồn tại luôn ở thể động, không thả neo, và việc thiếu tâm điểm đã có hiệu ứng biến ông thành một người ngoài cuộc vĩnh viễn, môt người đi du lịch trong chính cuộc sống của mình. Bạn không bao giờ có được cảm giác xác định được ông ấy đang ở đâu.