Thích Học Toán

Cây phượng ở Hongkong

Đầu hè năm ngoái tôi đi Hongkong lần đầu tiên. Đúng vào thời điểm bắt đầu bạo động ở Hongkong với nguyên do là phản đối luật dẫn độ. Run rủi như thế nào mà cuộc bạo động ở Hongkong hè năm ngoái đã là cơn giông đầu tiên báo hiệu cho trùng trùng bão tố quần thảo khắp thế giới từ sau đó.

Ông Y đón tôi ở sân bay. Ông là một thành viên của Hội đồng tín thác của Đại học Chicago. Kết hợp với chuyến công tác ở HKUST, tôi muốn đến thăm phân hiệu mới của đại học Chicago mới xây và là thành quả những cố gắng không mệt mỏi của ông Y. Ngoài một khoản tiền khá lớn mà vợ chồng ông dành cho công trình này, ông Y đã vận động chính phủ Hong Kong để có được một mảnh đất rất đẹp gần trung tâm và nhìn ra biển.

Vị trí này vốn là doanh trại của quân đội Anh, sau này được dùng làm nhà tù, nơi giam nhiều nhà hoạt động chính trị cánh tả trong những năm HK có nhiều biến cố mà nguyên nhân là quan điểm chính trị của những người đại lục tị nạn. Các nhóm người này có mâu thuẫn dẫn đến xung đột với nhau. Nhóm di cư cộng sản và nhóm di cư cộng hoà nhiều khi tẩn nhau bằng cả dao và súng, trong khi Hongkong không có quân đội, chỉ có cảnh sát.

Ông Y rât tâm đắc với kiến trúc xuất sắc của công trình, giữ gìn được doanh trại, nhà tù cũ như những vật chứng của lịch sử, mà vẫn làm nên một trung tâm học thuật hiện đại. Toà nhà có chỗ uốn cong khá ấn tượng để giữ một cây phượng được coi là biểu tượng của tri thức trong văn hoá Hoa hạ.

Ông cũng giải thích cho tôi tại sao tên của trung tâm đại học Chicago lại gắn với Jockey Club. Jockey Club là một trong những tổ chức dân sự lâu đời nhất ở HK, được chính quyền dành cho độc quyền trong việc cá ngựa. Vì là tổ chức dân sự, hoạt động như một doanh nghiệp, nên hoạt động rất hiệu quả, luôn là tổ chức đóng nhiều thuế nhất cho chính phủ sau khi đã dành ra nửa tỉ dollar mỗi năm cho những công việc phúc lợi xã hội như xây bệnh viện, trường học.

Câu chuyên Jockey Club làm tôi suy nghĩ nhiều. Nó là một minh chứng cho giá trị vô cùng lớn của một thiết chế xã hội minh bạch và hiệu quả. Nó cho phép biến những năng lượng xấu của con người như ham mê đỏ đen, thành một nguồn sinh lực vô cùng lớn và bền vững.

Ông Y còn kể câu chuyện thú vị khác về sự hình thành của công nghiệp tài chính ở Hongkong. Sau hiệp ước nhượng địa, Hongkong trở thành lãnh thổ của Anh quốc, là cửa ngõ để Anh Quốc xâm nhập thương mại vào Trung quốc. Do một tình cờ của lịch sử mà Hongkong đóng thêm một vai trò khác nữa đó là làm nơi trung chuyển cho người Trung quốc sang Mỹ xây đường tàu hoả sang bờ Tây. Người Trung quốc đi xuất khẩu lao động với mục đích chính là gửi tiền về cho gia đình ở quê. Vào thời kỳ đó, người ta chỉ có cách chuyển qua tay những người trung gian ở Hongkong với đảm bảo duy nhất là niềm tin. Công nghiệp tài chính của HK khởi nguồn từ chính niềm tin đó.

Khủng hoảng ở Hongkong, dịch Corona ở Trung quốc lan sang châu Âu và Mỹ bây giờ đang làm xáo trộn bao nhiêu cuộc sống. Nó phải làm chúng ta nhận ra giá trị của niềm tin vào con người và sự minh bạch của các thiết chế xã hội. Khi con người không còn niềm tin vào sự bình đẳng, công lý, và sự minh bạch của các thiết chế xã hội thì bạo loạn sẽ chỉ chờ lý do để nổ ra.

PS: chợt nhớ ra chuyện này vì thấy họ đang chặt phượng nhiều quá!

Written by Ngo Bao Chau

03/06/2020 at 13:56

Posted in Uncategorized

Huyền không sơn thượng

79E5849C-D813-41BB-9139-84E782E7021C

Hè năm ngoái tôi có dịp nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một tuần ở Huyền Không Sơn Thượng. Đây là ghi chép của tôi trong thời gian ở trong tu viện. Ghi chép lan man, không có nội dung gì đặc biệt, nhưng tôi muốn chia sẻ với nhiều người vì thời gian sống trong tu viện đã thay đổi tôi phần nào, có lẽ theo hướng tốt hơn.

Huyền Không Sơn Thượng là một thiền viện nằm trong địa bàn của huyện Hương Trà. Tu viện nằm sâu trong rừng, trên độ cao vừa phải. Tu viện lúc đầu là nơi Minh Đức Triều Tâm Ảnh chọn làm nơi lánh xa thế nhân, khi đó là đồi trọc hoang vu. Sau này, nhiều sư trẻ xin về theo, trong đó có sư Chơn Tín. Lúc đầu thầy Tâm Ảnh không nhận họ, nhưng họ quyết ở lại giúp thầy trồng cây, làm ruộng … Sau hai mươi mấy năm, xung quanh thiền viện đã hình thành một cánh rừng nguyên sinh. Ở trên cao là thông, phía dưới là keo, xung quang chùa và thiền viện có nhiều tre, trúc, bàng, lộc vừng và nhiều cây cảnh.

Anh Bi, anh Linh và anh Thuyết đưa tôi đến thiền viện chiều thứ hai 6/8/2018. Trên đường đi, anh Thuyết dừng xe ở phố buôn bán để anh Bi xuống mua cho tôi mấy gói mì đề phòng khi đói. Anh Bi chỉ kém anh Thuyết hai tuổi nhưng luôn gọi anh Thuyết là thầy. Anh Bi vốn là hiệu trưởng trường chuyên cấp hai Nguyễn Tri Phương là người có nhiều quan hệ và biết tổ chức sắp xếp công việc. Mọi việc lớn nhỏ của cộng đồng nhỏ các anh toán ở Huế đều do anh Bi sắp xếp. Anh Thuyết vì là thầy của anh Bi, và cũng là người có học vị cao nhất nên nghiễm nhiên là thủ lĩnh của nhóm. Lúc mới gặp, tôi không thích anh Thuyết lắm, có lẽ vì mái tóc nhuộm đen nháy của anh. Tôi có cảm tình với anh Hiếu ốm nhách hơn. Chơi với nhau lâu, tôi yêu quý tất cả các anh. Các anh luôn mong tôi vào Huế để các anh đưa đi chơi, đi ăn, uống ca phe nói chuyện toán. Dần dần tôi cũng thích chia sẻ thời gian của mình với các anh.

Trước khi đi, tôi có để số điện thoại của anh Thuyết cho mẹ tôi để mẹ liên lạc khi có việc gấp vì có thể mạng di động không phủ đến khu vực của thiền viện. Không bất ngờ lắm khi mẹ tôi gọi ngay cho anh Thuyết để dặn dò và nhờ anh mua cho tôi mấy thứ thuốc mà do vội tôi không mang đi. Mẹ tôi là như thế, một nỗi lo nho nhỏ trong đầu có thể làm bà bồn chồn, và phải giải quyết triệt để nó thì mới có thể nghĩ đến việc khác. Đặc biệt khi nỗi lo đó liên quan đến con trai của bà.

Thầy Chơn Tín đợi chúng tôi ở Am Mây Tía. Thầy Chơn Tín dáng vóc phương phi, ít cười, nhưng vẻ mặt toát ra sự khảng khái, chân thực. Thầy phổ biến cho tôi một số nội quy cho cuộc sống trong thiền viện. Ở đây, các sư tụng kinh hai lần mỗi ngày, một lần lúc 4:30 sáng khi vừa ngủ dạy, một lần lúc 6:00 chiều, xong rồi mọi người về am cốc của mình nghỉ ngơi. Chùa nấu cho ăn vào buổi sáng và buổi trưa. Ở đây các sư theo Phật giáo nam tông, có thủ tục đi xếp bát khất thực. Khi đi khất thực người ta cho ăn gì phải ăn nấy, cho nên các sư ăn mặn, không ăn chay. Thầy Chơn Tín đã để sẵn trong cốc nhiều mì gói, bánh quy, sữa đề phòng đói bụng vào buổi tối. Sau đó thầy phăng phăng xách cái va li nhỏ và đưa tôi về cốc.

Cốc là một ngôi nhà nhỏ, nằm trên vách núi. Các sư trẻ ở trong khu nhà chung. Các sư tu tập lâu ngày ở trong cốc như vậy. Cốc tôi ở gọi là Cốc Sư Thiện. Sư Chơn Hạnh, em trai của sư Chơn Tín nói với tôi rằng sư Thiện đã vào miền nam. Để đi lên Cốc Sư Thiện phải dò theo những bậc đá gập ghềnh mà các sư đẽo vào núi. Leo chừng ba mươi bước thì đến một tấm đá nhẵn thín, bắc ngang qua ao cá nhỏ uốn vòng quanh cốc. Ao nhỏ nhưng nước rất trong. Trong đó có ếch, nhái, rắn nước và những con cá nhỏ sống. Xung quanh ao, sư Thiện trồng nhiều cây dương xỉ, một loài cây tôi mà tôi ưa thích. Ở bên trái am còn có một bụi trúc vàng, thân trúc vàng óng, khoẻ mạnh. Chếch góc ao, có cả một cây chuối rất đẹp. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cả buồng chuối và hoa chuối. Thông thường ở các loài cây khác, hoa rụng thì mới kết quả. Cây chuối của sư Thiện mang một buồng chuối đã chín lắm, màu đã chuyển sang đen xì, vậy mà ở cuống của nó vẫn còn một bông hoa chuối rất tươi.

Cốc có hai phòng. Phòng trong là phòng ngủ, có cả điều hoà nhiệt độ. Phòng ngoài có một cái bàn đá màu trắng để thưởng trà và đọc sách. Ở góc phòng có một cái bàn nhỏ nơi thầy Chơn Tín đã xếp đủ sữa, nước, mì gói, bánh quy cho tôi đủ dùng cả tháng. Sau khi chia tay anh Bi, anh Linh và anh Thuyết, tôi đóng cửa và suy nghĩ mình sẽ làm gì với thời gian năm ngày ở trong thiền viện. Vào lúc đó, tôi để ý thấy ba quả thị mà thầy Chơn Tín để lại cho tôi ở trên cái bàn đá. Cầm một quả thị lên ngửi thấy hương thật thơm. Tâm trí tôi bỗng trở nên thanh thản lạ lùng. Tôi tự bảo mình thay vì việc đặt ra cho mình một thời gian biểu chặt chẽ, hay là tôi cứ ngồi đây ngắm ba quả thị, dõi theo quá trình biến đổi của nó. Bây giờ còn đang tươi tắn, thơm hương như thế, năm ngày nữa thì sẽ thế nào.

Chiều hôm đó, tôi đi bộ dọc theo con đường mòn vào sâu trong rừng trước giờ tụng kinh. Đi đường bị muỗi cắn khắp người mới sực nhớ ra rằng mình vào rừng ở mà quên không máng thuốc sức chỗng muỗi. Đường khó đi, thỉnh thoảng lại có cây đổ ngang đường. Ven đường có các cốc còn đang xây dở. Không quá lâu, con đường mòn đẫn đến một cái cốc khá khang trang, trồng nhiều hoa theo hàng lối. Ngại làm phiền, tôi không dám đi xuyên qua cái cốc đó để xem đường mòn còn tiếp tục hay không.

Trở lại sân chùa trước giờ rung chuông, tôi thấy một Tỳ kheo tươi tắn, đi cùng hai con chó đi đến chào. Sư tự giới thiệu mình là Chơn Hạnh, em trai của sư Chơn Tín. Chơn Hạnh hỏi tôi có thiếu gì trên cốc không. Tôi nói không hiểu sao trên đó không có màn, mà có nhiều muỗi quá. Chơn Hạnh nói muỗi rừng ra nhiều tầm 5-6 giờ, trước giờ tụng kinh. Sau giờ đó chúng về rừng, đêm không cắn người. Tôi nghe lạ quá vì muỗi ở Hà nội cắn người bất kể giờ giấc. Nhưng quả thật đêm đó tôi ngủ ngon, không bị muỗi cắn. Ngồi đọc sách ở trong cốc chỉ bị muỗi đến quấy vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

Chuông trên tháp gióng độ 10 phút thì một tỳ kheo bắt đầu thỉnh chuông trong chánh điện. Các tỳ kheo khác lục tục về chỗ mình ngồi. Tôi được xếp ngồi ở góc bên phải cùng các novice. Các sư đọc kinh pali chừng 15 phút rồi chuyển sang ngồi thiền. Tiếng tụng kinh pali của các tỳ kheo vảng vào đầu tôi như ngọn gió Tây nóng và khô thổi sạch đi những bụi bặm, ẩm ướt lưu cữu lâu ngày trên bề mặt của tâm hồn. Đèn phụt tắt khi các tỳ kheo đưng tụng kinh để thiền. Tôi cố bất động thân và tâm, tập trung theo dõi nhịp thở nhưng vì gối tê, lưng mỏi, tâm phiêu diêu, tôi cảm thấy mệt mỏi muốn đứng dạy chi sau 10 phút. Vì không muốn làm xáo trộn sự tập trung của các tỳ kheo, tôi cố chịu đau ngồi đến cùng. Tôi nhận ra rằng học thiền cơ bản là phải kiên nhẫn, chứ không cần nỗ lực gò ép mình quá đáng. Đến cuối tuần, tôi có thể ngồi được lâu hơn, không còn cảm giác đau mỏi như hôm đầu. Tâm vẫn khởi lên những suy nghĩ này nọ, nhưng nó cũng mau quay lại với nhịp thở hơn.

Buổi tụng kinh và thiền ở chánh thất kết thúc sau 7 giờ tối. Lúc đó ngoài trời đã tối đen. Lúc đấy tôi mới nhớ tới điều anh Bi nói lúc chia tay: đáng ra phải mang cho Châu cái đèn pin. Không đợt tôi hỏi, thầy Chơn Tín vào Am mây tía lấy cho tôi mượn một cái đèn pin. Nhờ vào nó tôi mới dò dẫm đi về cốc của mình.

Đêm ở trong rừng không hề yên tĩnh như ta nghĩ. Chỉ về đêm ta mới thấy rừng là nơi trú ngụ của trăm ngàn sinh linh. Ồn ào nhất là tiếng ễnh uông. Nó kêu như tiếng thanh tre gõ lên một dãy ống tre, từng đợt cách nhau chừng nửa phút. Bắt nhịp là một tiếng chim, hơi thảng thốt, nhưng vì rất đều đặn, nên không gây ra cảm giác bi ai. Con ễnh uông và con chim nhỏ hoà tấu với nhau như thế cho đến lúc toàn bộ dàn nhạc rừng oà lên cùng một lúc để rồi lại lặng đi ngay. Trong đêm rừng tối đen, ta chỉ còn thính giác để tiếp nhận các tín hiệu của rừng. Tâm hồn ta lắng xuống trong cảm giác dễ chịu đã được rừng tiếp nhận, dường như đã trở thành một phần hữu cơ của rừng.

Điện thoại reo báo thức lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị đi tụng kinh lúc 4:30. Không đủ can đảm để chui ra khỏi giấc ngủ say để xuyên rừng đi lên chánh điện, tôi duỗi chân ngủ tiếp. Khi tỉnh dạy thì trời ở ngoài đã sáng. Tôi cố tìm ra con ếch đêm qua kêu to thế mà không tìm ra. Con ếch duy nhất mà tôi tìm thấy là con vật tý hon này. Vì một lý do riêng, tôi rất quan tâm đến loài ếch và rất mong muốn gặp một con ếch với kích thước đủ lớn. Mong muốn này sẽ được toại nguyện vào ngày cuối cùng tới hai lần.

Tuy không tìm thấy ếch, mục tiêu ban đầu, tôi tìm thấy một vài con vật rất đáng yêu luôn quanh quẩn cái ao nhỏ nằm trước mặt cốc. Đây là một con mèo hoang, rất dạn người, sẵn sàng lẻn vào cốc ăn vụng bánh quy của tu sĩ. Bên cạnh bánh quy, bọn mèo hoang tỏ ra quan tâm đến các con cá bé li ti bơi trong ao.

Một con vật khác, ít thù địch hơn với loài cá là con tắc kè. về hình tướng, tắc kè có lẽ là sinh linh khôi ngô nhất mà tôi gặp ở trong rừng. Nó có cái cổ màu xanh biếc và cái đuôi rất dài.

Điều lạ nhất xảy ra với tôi vào buổi sáng đầu tiên ở trong chùa là cảm giác trìu mến đặc biệt dành cho con tắc kè này bỗng dưng khởi lên trong tâm. Lòng trìu mến đó phát triển cả sang con kiến, con muỗi.

Một tâm trạng bình an dần dần định hình trong tôi. Cả ngày tôi không ra khỏi cốc trừ lúc các chú tiểu gõ kẻng gọi ăn trưa, và cuối giờ chiều khi chuông chùa gióng lên gọi các tỳ kheo lên chánh điện tụng kinh.

Đây là ngày đầu tiên ở chùa, tôi chủ định chỉ làm nhưng gì để tạo cho mình cảm giác bình yên, để dành nhưng vấn đề khó khăn phải suy nghĩ cho nhưng ngày sau. Tôi dành cho mình niềm vui đọc thật kỹ bài báo của Deligne về giả thuyết Weil, một viên ngọc của toán học hiện đại. Tôi thấy một cảm giác khoan khoái khi hiểu trọn vẹn lập luận cùa Deligne, khá ngắn gọn, nhưng thật tinh tế. Định đọc thêm toán nhưng đầu óc cảm thấy hơi mệt nên lại thôi. Thay vì việc bắt mình làm việc liên tục như thói quen, bây giờ mỗi lúc cảm thấy mệt mỏi, tôi cho phép mình ngừng lại, ngồi vào tư thế thiền và đếm hơi thở của mình.

Buổi tối sau giờ tụng kinh, sư Chơn Hạnh qua cốc thăm tôi. Sư mang cho tôi một đôi dép nhựa để đi trong phòng tăm cho khỏi ướt chân, một chai sữa đậu nành và một ít bánh quy. Sư kể chuyện cốc tôi ở trước là của sư Thiện, nay sư Thiện đã đi vào Nam. Trong cốc có một giá sách nhỏ, có lẽ do sư Thiện để lại. Nhìn nhưng quyển sách sư Thiện để lại có thể cảm thấy một tâm hồn hiền thiện, giản đơn: ngoài quyển sách Phật pháp căn bản mà sau đó tôi đọc hết trong thời gian ngồi một mình trong cốc, còn có sách tự học tiếng Trung, tự học đàn guitare, mấy tập thơ Huế … Hôm sau sư Chơn Hạnh mang cho tôi mượn thêm hai quyển sách của sư trụ trì Minh Đức. Hai quyển đó giảng pháp dưới hình thưc kể chuyện. Mặc dù không thích lắm thể loại hư cấu tôn giáo, khi rời tu viện tôi xin phép mang theo một trong hai quyển để đọc trên đường, như một cách nhớ lại những ngày ở trong tu viện.

Tôi dành ngày thứ ba ở tu viện để suy nghĩ về những vấn đề còn khó khăn, còn tạo ra những xung đột trong nội tâm. Sự kiện đáng lưu ý của ngày này là cuộc gặp gỡ với một con nhện gớm ghiếc bò cạnh nơi tôi ngủ. Mặc dù cảm giác trìu mến dành cho con tắc kè xinh đẹp phần nào lan sang con nhện, tôi băn khoăn không biết con vật này có nọc độc hay không. Trên đường xuống chùa, gặp thầy Chơn Phúc, anh trai của thầy Chơn Tín, người luôn niềm nở chào hỏi, tôi hỏi thầy Chơn Phúc xem nhện ở đây có độc, có căn người hay không. Thầy cười bảo nhện ở rừng này lành lắm, không độc, không cắn người. Vậy là tôi yên tâm tiếp tục sống chung với con nhện. Thực ra sau đó tôi không gặp lại nó nữa, trừ một lần khi đang đọc sách thì thấy buồn buồn ở gáy. Sờ tay thì hoá ra một con nhện khác đang khám phá khu vực lưng gáy của mình. Tôi búng nhẹ cho nó rơi xuống đất, không làm nó tổn thương.

Nhớ đến lời khuyên của Phan Việt, tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại lời kinh thực hành Thiền tha thứ:

“Vì lâm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có những hành động, lời nói, ý nghĩ sai lầm làm thiệt hại, gây đau khổ cho những người khác, những chúng sinh khác. Xin tất cả mở lòng từ bi và trí tuệ để tha thứ cho tôi.

Tôi thành thật tha thứ cho những người đã có những hành động, lời nói ý nghĩ làm thiệt hại và gây đau khổ cho tôi.

Tôi thành thật tha thứ cho chính mình và nguyện từ nay làm lành, tránh dữ, giữ tâm trong sạch.”

Tuy chưa đi được tới tận cùng vấn đề muốn suy nghĩ tới, tôi cảm thấy một sự nhẹ nhõm thanh thản nào đó trong tâm hồn, trái với cảm giác nặng nề u uất thường có. Dường như việc để tâm vào quan sát chính mình một cách thiện chí, làm cho cái tâm được quan sát có được cảm giác bình an.

Ngày thứ tư ở thiền viện là ngày thứ năm của tuần. Trời mưa nặng hạt từ rạng sáng. Con đường lên xuống cốc trở nên trơn tuột. Xuống cốc khi chạng vạng vào giờ ăn sáng lúc trời mưa nặng hạt, tôi phải dò từng bước để khỏi ngã. Khi vừa vượt qua đoạn tưởng chừng nguy hiểm nhất, chỗ cầu thang làm bằng những phiến đá xếp nhấp nhô nghiêng ngả và dốc, khi đến đoạn cầu thang tưởng như bằng phẳng hơn, thì trượt chân. Mưa tiếp diễn cả buổi sáng. Chìm đắm trong suy nghĩ của mình nên quên giờ xuống chùa ăn trưa làm cho Chơn Hạnh phải mang một suất ăn lên cốc.

Trời ngớt mưa sau giờ trưa. Cảm thấy suy nghĩ của mình bắt đầu đi vòng quanh, tôi chợt nảy ra ý muốn đi bộ. Nhìn trên bản đồ google thi thấy gần thiền việc có một cái hồ, tôi đặt nó làm đích cho cuộc đi bộ. Ra khỏi cổng thiền viện chưa đến 1km tôi thấy một lối rẽ nhỏ đi về hướng hồ mà không có trên bản đồ. Đi theo lối đó dẫn tôi đến một khu vực khá tiêu điều, nơi có hai ngôi mộ cổ hình như bị bỏ hoang, gần một khu vực ô nhiễm hình như để chôn rác. Trên bản đồ khu vực này đáng ra là một phần của lòng hồ nhưng có lẽ phạm vi hồ nước đã bị thay đổi. Xa xa có một ngôi nhà dựng tạm bơ, một chiếc xe máy đặt giữa sân, và một đàn bò con đứng con ngồi dáng vẻ uể oải.

Bỏ lại đằng sau khung cảnh thê lương này, tôi đi theo một con đường mòn không có trên bản đồ. Dọc con đường mòn có hai, ba cái lán chỏng chơ. Gặp một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, vẻ mặt u uất, làm vẻ không nhận thấy sự hiện diện của tôi, nhưng khi đi qua thì liếc theo tôi với ánh mắt dò xét, như có ý đồ. Xung quanh lán có nhiều thùng nuôi ong, và có lẽ đó là lý do để người đàn ông kia ở đây. Trong đầu tôi xuất hiện một sự lo ngại, người đàn ông này dường như chẳng có gì để mất trên cuộc đời này nữa. Hắn ta có thể giết tôi để cướp số tiền tôi đem theo trên người mà không ai biết. Tuy nhien, Ý nghĩ đấy biến mất khi tôi nhìn thấy lá cờ nhà Phật bay phấp phới bên những cái lán.

Đi khoảng cây số dọc theo bờ hồ mà không thấy hồ đâu. Liên tục là rừng keo độc chỉ một loài cây. Sau từng keo là ruộng lúa. Đi qua một xóm nghèo thì hiện ra một con đê. Con đê này là lý do tôi không nhìn thấy hồ, hồ nằm ở phía bên kia con đê. Con đê chì còn cách tầm 20 mét nhưng không thể tiếp cận được. Giữa con đường mòn tôi đi và con đê là một cái đầm nông có sú vẹt, nước sâm sấp lên đến đàu gối. Loáng thoáng nhìn thấy ở đầu kia con đê có mấy người đang chạy chơi. Tôi đi về hướng đó. Sự tĩnh lặng của trưa hè chợt bị phá vỡ bởi động cơ của một chiếc xe máy cũ. Trên xe có hai người, người ngồi trước tay cầm một cái vợt, người ngồi sau vai đeo một cái ba lô có gì nặng. Chiếc xe máy đưng phía sau lưng tôi tầm 10 mét. Hai người lội về phía đầm nước. Bây giờ tôi nhìn thấy cái người kia vác ở trên lưng là một cái ac-qui điện. Đây là hai kẻ đánh cá bằng điện. Đánh cá bằng điện là một trong những trò chơi ngu xuẩn và độc ác nhất mà con người tạo ra. Chỉ để bắt một con cá, họ sẽ giết chết hàng trăm con cá con.

Hết vùng sình lầy thì con đường mòn gặp bờ đê. Bờ đê xây kiên cố, cứ độ 20 mét lại có nhưngz bậc thang để đi lên trên đê. Từ trên đê nhìn xuống mặt nước thoáng đáng trải dài đến tận chân núi. Đây là công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Khe ngang. Đang ngắm để thu cả cái không gian khoáng đạt trước mắt vào cái màn hình điện thoại, thì một người đàn ông trung niên đến gần nói với tôi: nhờ anh chụp ảnh hộ mấy cháu, điện thoại tối quá không chỉnh được cho rõ mặt. Phải định thần mấy phút tôi mới hiểu ra yêu cầu của ông ta. Ở phía dưới chân đê bên hồ một tốp phụ nữ nông thôn đang tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm. Tôi vẫy tay gọi họ lên trên đê. Cái điện thoại rẻ tiền họ dùng để chụp ảnh bị ngợp bởi ánh sáng ngoài trời cho nên màn hình tối đen. Tôi gợi ý chụp họ bằng điện thoại của tôi rồi gửi ảnh qua nhắn tin. Lúc đầu các cô còn ngượng, mặt nghiêm trang như mấy anh lính canh lăng bác. Tôi nói các o nghêm trọng quá chụp không được. Vậy thôi là đủ để các nàng cười hết cơ số và tôi được một tấm hình thật ưng ý. Nụ cười ấm áp của những người phụ nữ nông thôn xua đi cái mùi tanh tanh còn đọng lại trong mũi tôi sau khi gặp hai gã đánh cá bằng điện.

Tôi hỏi làm sao các o có thời gian đi tham quan hồ? Họ nói hôm nay chúng tôi đi ăn giỗ, ăn giỗ xong phải ra đây chụp ảnh trước khi đi về nhà các đây vài chục cây số.

Đường về tu viện xa hơn tôi tưởng. Trời nóng hơn, tuy đâu đây bắt đầu thấy mấy con gió. Sau mấy cây số lên dốc, người tôi mồ hôi vã ra như tắm. Tuy vậy không cảm thấy mệt, đầu óc cảm thấy vui phơi phới, thảnh thơi kỳ lạ.

Tôi cảm thấy thấm mệt sau giờ tụng kinh và thiền. Món bánh quy trở nên khó nuốt nên đành đi ngủ với cái bụng đói.

Ngày thứ năm ở thiền viện và là ngày thứ sáu của tuần, tôi định dành để suy nghĩ tiếp về cái vấn đề làm mình phiền não, và bắt đầu ghi chép lại ký ức về những ngày ở đây. Kế hoạch của tôi bị thay đổi. vào giờ thư giãn sau giờ ăn sáng kho các tỳ kheo ngồi nói chuyện trong Am mây tía, sư Chơn Tín cho tôi biết buổi chiều mọi người cùng xuống Huyền Không 1 nghe Hoà thượng Viên Minh giảng pháp.

Hoà thượng Viên Minh là một trong bốn người tu hành cùng thầy Minh Đức thành lập Huyền Không. Chùa này lúc đầu đặt ở Lăng Cô. Sau 75, chính quyền không cho phép các thầy ở Lăng Cô nữa, vì lý do an ninh, nên họ phải quay lại Huế. Đó là điểm xuất phát của chùa Huyền Không ở Huế. Sau một thời gian ở Huế, thầy Minh Đức muốn lánh khỏi nhân tình thế thái nên lên rừng ở. Từ đó mới có Huyền Không Sơn Thượng.

Sau giờ ăn trưa, trong lúc chờ xe bus đi xuống Huyền Không 1, tôi ngồi nói chuyện với sư Chơn Phúc. Buổi nói chuyện đó để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Sư Chơn Phúc thuật lại một phần cuộc đời của mình. Thầy vốn là một tay giang hồ có số má, đã từng đi tù bốn lần, lần cuối do vác dao đi chém phó công an Nha Trang. Chơn Phúc thuật lại những khoảnh khắc của cuộc đời mình khi mà cái sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tay. Thầy nói thầy đi tu để trả ơn sâu của thầy Minh Đức, người tu hành có khả năng hiểu được tâm can của cả những kẻ giang hồ. Sư Chơn Phúc không định đi nghe thầy Viên Minh giảng pháp vì những lời của thầy Viên Minh tuy cao siêu, nhưng “viễn ly mặt đất” và không “lọt lỗ tai” giang hồ.

Tôi theo xe của nhà chùa xuống Huyền Không 1 nghe giảng pháp trong tình trạng tâm lý mệt mỏ sau giờ nói chuyện với sư Chơn Phúc. Thời tiết nóng và ngột ngạt làm những chuyện khó chịu nhỏ trở thành rào cản để tâm trí thực sự lắng nghe. Sư MC mất gần nửa tiếng sắp xếp cử toạ theo thứ bậc tu hành, các tỳ kheo ngồi trước, tiếp theo là các sư sari, chỉ có hai hàng ghế phía sau là dành cho các phật tử. Sau đó một người của ban tổ chức bê cái lọng mầu vàng đặt bên phía phải khán đài đi, để rồi quay lại từ phía trái khán đài, che nắng cho Hoà thượng Viên Minh đi lên bục giảng pháp. Thầy Viên Minh giảng rằng bản chất của việc tu tập là làm thay đổi nhận thưc và hành vi, vàn bản chất của giác ngộ là đạt được nhận thức đúng và hành vi tốt. Khi đó là đến niết bàn, con người được giải phóng khỏi khổ đau và phiền não. Thầy nói đấy là lý do vì sao cuộc đời với nhưng khổ đau của nó chính là trường học để con người giác ngộ.

Trong phần Q&A, đợi đến cuối giờ khi không còn ai giơ tay đặt câu hỏi, tôi mạo muội hỏi thầy Viên Minh điều làm tôi bứt rứt trong giờ giảng pháp. Câu hỏi của tôi là lòng từ bi có đóng vai trò gì trong quá trình giác ngộ hay không. Câu trả lời của thầy rứt khoát đến mức làm cho tôi ngạc nhiên. Thầy nói rằng nếu hiểu từ bi như lòng yêu thương thì đó là một cản trở cho quá trình giác ngộ. Yêu thương hay căm ghét đều cản trở quá trình giác ngộ. Cũng như lý trí hay tình cảm cũng cản trở sự giác ngộ.

Phải chăng yêu thương, căm ghét đều là những ảo giác do tâm tạo ra?

Tôi cảm thấy khá suy sụp sau giờ giảng pháp, không đủ sức để đi tụng kinh nữa. Về đến cốc, tôi cố đi ngủ từ 6 giờ tối để thoát khỏi cảm giác buồn nôn và cơn nhức đầu.

Tôi tỉnh dạy lúc hai giờ sáng với cảm giác khoan khoái và minh mẫn lạ thường. Kịp tắm rửa để chuẩn bị tham gia buổi tụng kinh sớm lần đầu tiên.

Trên đường đi xuống chùa, tôi bất chợt cảm thấy ướt ở bên đùi trái. Cái ươn ướt bỗng chốc chuyển từ đằng trước đùi ra đằng sau. Đập đập vào chân thì một chú ếch rơi ra khỏi ống quần. Nhìn chú ếch chui từ chân mình ra tạo cho tôi một sự hứng khởi đặc biệt.

Đây là buổi sáng cuối cùng của khoá tu này. Sau khi ăn sáng, tôi ngồi lại Am mây tía ăn nhãn và trò chuyện với các tỳ kheo. Tôi cảm ơn họ đã tiếp nhận tôi trong những ngày qua ở thiền viện.

Sau đó tôi quay lại cốc, dọn dẹp đồ đạc và lau chùi nhà cửa sạch sẽ. Khác với mong đợi, tôi không cảm thấy vui hay buồn khi nhìn ba trái thị đã khô héo. Biểu hiện của sự vô thường không còn tạo cho tôi cảm xúc gì đặc biệt.

Lúc xỏ chân vào giầy chuẩn bị xuống cốc, toi thấy có cái gì như một cục đất rất to rơi vào giầy. Té ra là một con cóc cụ. Tôi tạm biệt cốc và con cóc với một niềm vui phơi phới trong lòng.

Khi đi xuống núi, tôi lẩm nhẩm lời dạy của Phật:

“Con hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa của chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.

“Con hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa của chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.

Written by Ngo Bao Chau

10/07/2019 at 08:58

Posted in Độc thoại

America

Written by Ngo Bao Chau

22/01/2018 at 20:18

Posted in Uncategorized

Đầu tư vào đào tạo trên đại học

Cách đây gần chục năm, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra mục tiêu 20K tiến sĩ cho năm 2020. Nhiều người cười ông Nhân về mục tiêu viển vông. Tôi không có số liệu chính xác trong tay nhưng tôi tin rằng nếu có thống kê đầy đủ thì con số này đã đạt được rồi.

Nhiều người phán một cách khá vội vàng rằng tiến sĩ đào tạo gần đây toàn là tiến sĩ giấy. Đúng là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn rất thấp, nhiều cơ sở đào tạo theo nhu cầu chuẩn hoá bằng cấp, coi nhẹ mọi chuẩn mực hàn lâm. Một mặt khác, tôi nghĩ rằng đa số trong số khá đông tiến sĩ đào tạo ở các nước phương tây trong những năm gần đây có trình độ khoa học tốt, ít nhất không kém hơn những người được đào tạo ở Liên xô, hay các nước xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ trước. Tôi đã tiếp xúc, và nghiên cứu hồ sơ một số không nhỏ trong số xấp xỉ một trăm tiến sĩ toán xuất thân từ chương trình thạc sĩ quốc tế liên kết giữa Viện toán học, Sư phạm Hà nội và một số trường đại học ở Pháp và Đức, chương trình này bắt đầu từ 2005. Tuyệt đại đa số họ đều có những công trình khoa học nghiêm túc, được công bố ở những tạp chí đàng hoàng. Tôi tin rằng ở các tình hình ở các ngành khoa học khác cũng vậy, tuy rằng cần có một thống kê đầy đủ và chính xác hơn.

Như vậy các chương trình 322, 911 … dùng tiền ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có hiệu quả không. Tôi tin là có.

Giảng viên ở các trường đại học có cần có bằng tiến sĩ hay không. Tôi tin là có, vì đó là chuẩn mực quốc tế. Nếu chẻ chữ University ra thì ta thấy nó xuất phát từ chữ Universal. Làm University theo kiểu đặc thù là cách tự mâu thuẫn ngay trong phát biểu.

Nhưng nếu câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục sử dụng ngân sách để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay không, thì tôi tin là không. Ít nhất không phải ở quy mô như đang nghe nói.

Điều bất hợp lý lớn nhất là nhà nước có thể bỏ ra 2K USD / tháng cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và đi dạy ở đại học VN thì mức lương khởi điểm của họ sẽ nhỏ hơn 150 USD/tháng. Nếu thu nhập khởi điểm của giáo viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần nhà nước phải hỗ trợ, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách mà đi làm tiến sĩ ở nước ngoài.

Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên. Hiển nhiên là các trường có định hướng ở phân khúc cao phải tính đủ học phí, có nghĩa là tăng học phí so với hiện nay. Các trường ở phân khúc thấp vẫn có thể duy trì mức độ học phí thấp và trả lương thấp cho giảng viên của mình.

Vậy thì vai trò của nhà nước nàm ở đâu? Vai trò của nhà nước là hỗ trợ cho các em sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đủ trình độ học ở các trường ở phân khúc cao, vẫn có thể đi học ở đó với chính sách học bổng hợp lý. Thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học như hiện nay theo đầu sinh viên, bất kể sinh viên nhà nghèo hay nhà giàu.

Quay lại câu chuyện dùng ngân sách để gửi 9K sinh viên đi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi tin rằng ngân sách này sẽ được sử dụng hiệu quả hơn vào hai việc như sau:

1) làm startup grant để các trường đại học có thể tuyển những người đã có bằng tiến sĩ và có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc;

2) đào tạo tiến sĩ trong nước với chất lượng tốt, theo chuẩn mực quốc tế. Việc này có thể làm được nếu có funding thông qua các application call minh bạch, dựa trên các tiêu chí khoa học, để thành lập các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng.

Đa số các nước tôi biết đầu tư ngân sách để đào tạo nghiên cứu sinh ở nước mình, chứ không phải gửi đi học ở các nước khác.

Một điểm nữa cần lưu ý, việc tìm được học bổng nước ngoài đi làm nghiên cứu sinh không phải là chuyện dễ, nhưng cũng không khó như người ta tưởng. Tất nhiên bạn phải vượt qua một số kỳ thi sát hạch, tối thiểu và có thư giới thiệu của thầy giáo để đảm bảo khả năng tư duy và thái độ làm việc. Nếu không vượt qua các kỳ thi sát hạch tối thiểu, tôi nghĩ bạn cũng không nên mơ mộng đi làm tiến sĩ làm gì. Phần còn lại do các hội đồng khoa lựa chọn, có thể năm ăn năm thua. Nhưng thế giới thì rộng, cơ hội thì nhiều nếu bạn chịu khó đi tìm.

Written by Ngo Bao Chau

21/11/2017 at 16:40

Posted in Uncategorized

Mèo của Nguyễn Sáng

meo

Tôi mang bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng về Hà nội lần vừa rồi. Lý do đơn giản là bức tranh này thuộc về Hà nội, các bạn tôi ở HN trân quý nó hơn người ở những nơi khác.

Nguyen Duc Thanh gợi ý đưa bức tranh này vào sách tuyển tập hội hoạ VN đang làm. Nhờ lãnh đạo Viet Thanh Nguyen chụp mới có tấm ảnh đẹp như thế này. Đức Thành cũng đề nghị tôi viết vài dòng về tiểu sử của bức tranh. Câu chuyện về bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng là thế này.

GS. Henri Van Regemorter tham gia phong trào phản đối chiến tranh Đông dương từ khi còn là sinh viên. Trong thời kỳ 55-75, ông là một trong những lãnh đạo của Liên đoàn khoa học kỹ thuật chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Sau năm 1975, ông sáng lập ra Uỷ ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp-Việt để kết nối các nhà khoa học VN với các trường đại học, Viện nghiên cứu và các nhà khoa học Pháp. Tôi không biết chính xác Henri có bức tranh này trong hoàn cảnh nào, nhưng hiển nhiên nó là kỷ vật của một cuộc đời gắn bó với đất nước Việt Nam.

Tôi kết bạn với Henri từ năm 1990 khi mới sang Pháp. Henri tặng tôi bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng một vài tháng trước khi ông mất vào năm 2002.

Từ nhỏ tôi đã nhận thấy sưu tầm là một công việc rất thiếu triết học. Với thân phận phù du của mình, tại sao ta lại gắn bó quá mức vào các đồ vật, dù nó đẹp nó quý đến đâu. Thực ra chính vì nó đẹp, nó quý nên ta không nên gắn bó với nó.

Tôi bắt đầu sưu tầm ít tranh pháo từ khi có bức Mèo của Nguyễn Sáng. Tôi nhận ra rằng mình giữ bức tranh không phải vì giá trị kim tiền hay nghệ thuật mà vì đó là một vật chứng cho sự tồn tại của một thời đã sống, của một người bạn đã mất.

Written by Ngo Bao Chau

16/05/2017 at 15:48

Posted in Uncategorized

Ông ngoại

Hà Nội ngày xưa những ngày gần Tết rét cóng. Các cụ già theo nhau ngỏm. Tuần sau có giỗ cả ông nội và ông ngoại.

Ông nội mất trước khi tôi sinh. Tôi chỉ biết một vài câu chuyện về ông nội qua lời kể của bố, bác Du và chú Văn. Ông cả đời làm ông giáo nghèo. Bố tôi có lần vác bộ cả bao gạo mấy chục cây số từ lên Hà Đông nơi ông dạy học. Cả đời ông chỉ mơ xây được cái “nhà tây”, tức là nhà mái bằng. Xây xong cái nhà tây thì ông mất. Nghĩ đến ông, thấy thương ông, thương bố và các bác.

Vì chưa gặp ông bao giờ nên tôi chỉ lưu trong đầu mình tấm ảnh của ông nội. Tuy thân thương, nhưng có gì đó xa cách và trừu tượng. Ngược lại với ông ngoại. Vì ở với ông ngoại từ bé nên cứ mỗi dịp Tết, nhất là mấy ngày trước giỗ ông, bao ký ức lại cuồn cuộn chảy về.

Hồi còn đi học mẫu giáo, ngày quan trọng nhất trong tuần với tôi là ngày thứ năm. Ngày thứ năm, ông ngoại đi làm về sớm đến đón tôi ở lớp mẫu giáo. Không nhớ dạo đó nghịch ngợm thế nào mà ngày nào tôi cũng bị cô giáo phạt. Riêng ngày thứ năm thì rất ngoan vì ông hứa nếu không bị cô phạt thì ông cho đi ăn kem. Kem ngày xưa ngon lắm. Một lần tuy đã rất kiềm chế, cả ngày không trêu ghẹo bạn nào, nhưng có lẽ vì thế nên căng thẳng quá mà đến chiều thì có vi phạm rất to là đái dầm. Buồn lắm vì như thế bao nhiêu cố gắng kiềm chế không trêu ai, không đánh ai, thành ra công cốc. Đến trường ông hỏi sao trông mặt cháu buồn thế, lại bị phạt à? Trả lời vâng ạ, cháu bị phạt vì tội đái dầm. Ông bảo đái dầm không phải là khuyết điểm vì không ai cố tình đái dầm cả. Nên vẫn được ăn kem. Trên đời chắc không có ai độ lượng như ông ngoại.

Lớn hơn chút, mỗi khi có việc gì quan trọng, tôi lại đòi ông ngoại đi đón. Mỗi lần đi thi biết có ông ngoại đi đón, cảm thấy rất vững tâm để làm bài. Cứ mỗi kỳ thi, mà học chuyên toán thì thi suốt, ông lại đi đón. Ông không bao giờ sai hẹn.

Tết nào ông cũng lôi ở đâu về rất nhiều trấu về nấu bánh chưng. Mấy anh em chạy lăng xăng xung quanh nồi bánh chưng của ông ngoại. Ông bảo chạy xa xa ra không làm đổ nồi bánh chưng của ông. Có lần không kìm được máu nghich ngầm, tôi ném một quả pháo tép vào đống củi lửa dưới nồi. Pháo nổ làm ông giật mình. Ông bực mình lắm, nhưng vì ông không quen mắng mỏ ai bao giờ, ông không tìm ra từ để mắng. Mấy anh em tôi được dịp tiếp tục lăng xăng nhảy nhót. Ông bực lắm mà chỉ biết trừng mắt lên rồi bảo: không được hỗn láo trước mặt cấp trên.

Khi về hưu, ông bà ngoại tôi mở quán xôi chè ở sân nhà Hàng Bài. Xôi chè bà nấu ngon nên đông khách. Ngày nào cũng như ngày nào, ông ngoại dạy từ 4 giờ sáng quét sân, dựng bạt, rồi cả ngày rửa không biết bao nhiêu bát đĩa của khách. Không một lời kêu ca.

Ông ngoại tôi sinh ra trong một gia đình rất giàu có. Trước cách mạng, ông đã có mấy cái xe hơi, thừa hưởng mấy chục căn nhà trên phố Bạch Mai. Có đủ nhà để mở trường cho trẻ em nghèo. Đi kháng chiến 9 năm về, người ta bắt ông đi cải tạo vì thành phần vẫn không tốt. Đi về ông hiến nhà nước toàn bộ nhà cửa ở Bạch Mai và gia đình tôi dọn về Hàng Bài nơi nhà nước cho thuê lại một chỗ ở. Toàn bộ tài sản của ông được xếp ngăn nắp trong một cái tủ nhỏ sơn màu xanh dương. Vậy mà cần gì ông mở tủ ra là có. Có lần tôi tự tiện mở tủ của ông để lấy bút viết, vì tôi hay làm mất bút. Ông bực lắm nhưng cũng chỉ nói, cháu không được tự tiện mở tủ cửa người khác. Rồi ông nói cháu lấy bút rồi, lần sau cháu xin ông đâu còn bút để cho.

Khi ông gần mất, tôi xin nghỉ được một hai tuần để về nhà, đến ngủ với ông ở trong bệnh viện. Lúc ấy ông đã hơi lẫn rồi. Nhưng đôi lúc vẫn còn tỉnh. Một lần như thế tôi hỏi ông có tiếc vì đã đi kháng chiến hay không? Ông bảo không, bọn Pháp chiếm nước mình thì mình phải đánh lại nó. Xong tôi hỏi ông có tiếc 30 căn nhà hiến cho nhà nước hay không. Ông bảo không, nếu không hiến thì mẹ cháu làm sao được đi học đại học. Tôi luôn ngạc nhiên vì ông có câu trả lời đơn giản cho mọi vấn đề phức tạp.

Có những người sinh ra đã là gentleman: biết cái gì là đúng cho trong đa số các hoàn cảnh, tử tế, độ lượng với những người xung quanh, luôn nhận phần thiệt về mình, không bao giờ kêu ca, không bao giờ giải thích. Có những người khác phải vấp váp, rèn luyện cả đời cũng chỉ đạt đến gần đó. Lại có những người khác sống cả đời với sự nhỏ nhen mà họ có từ khi sinh ra.

Written by Ngo Bao Chau

13/01/2017 at 15:59

Posted in Uncategorized

Muốn gì

Định rủ bạn An viết blog. Mình bảo viết blog hay lắm. Đây này, bố cũng có blog đây này. Bạn An đọc tiếng Việt khó khăn. Tuy vậy chỉ mấy phút bạn ấy đã phát hiện ra nỗi khổ tâm của bố. An bảo cái trang thichhoctoan của bố trung bình mỗi năm lên có một bài mà cũng dám tự nhận là blog.

Nhân tiện chào mừng cơn mất ngủ triền miên quay về, chịu khó biên mấy thứ lăng nhăng để tăng “tần suất” bài cho blog. Tuần trước nhờ việc sửa bài cho bạn X.L., chuyên gia học máy số một Việt nam quê ở Hải Phòng, gửi đăng trên báo PI, mà kho từng vựng của mình nhập thêm một từ mới. Đó là từ “tần suất”: phải nói đây là một từ nghe rất khó chịu. Nghe như tiếng gọi thôi thúc mình tăng năng suất về một cái gì đó, không rõ cái gì. Nó không tạo ra cảm giác thanh thản cho người nghe.

Nhân nói về chuyện thanh thản, tuần trước có một cuộc tranh luận khá căng với bạn N.A. Bạn N.A. mê thiền, thích nói chuyện về phật giáo. Mình nói với N.A. là luận về khổ và cách diệt khổ của nhà Phật rất hay. Tuy nhiên, mình không đồng ý với sự cần thiết phải thủ tiêu nỗi khổ.

Không phải chờ lâu đâu, đến lúc đó thì ai cũng sẽ nằm đờ đẫn ở đâu đó. Lúc đó bạn sẽ không thấy khổ nữa đâu, mà ngược lại sẽ tha hồ thanh thản với vĩnh hằng. Không việc gì phải đốt cháy giai đoạn như thế.

Nếu còn lo lắng, còn khắc khoải với bao dự định chưa thực hiện được thì bạn nên mừng. Đấy là bằng chứng bạn vẫn còn đang sống. Cũng vì thế mà mình cũng không đồng ý với N.A. về sự cần thiết phải thủ tiêu sự ham muốn. Không có ham muốn thì làm gì có lo lắng, khắc khoải. Làm sao biết được bạn còn đang sống.

Tuy vậy muốn cho đúng cách, muốn một cách có ý thức, đòi hỏi cả một quá trình rèn luyện. Biết mình không muốn cái gì thì rất dễ. Tôi không thích thế này, tôi không thích thế nọ. Tôi thích muốn làm gì thì làm, nhưng người khác làm gì động đến tôi thì tôi không thích.

Biết mình không muốn cái gì rất dễ. Muốn lung tung, muốn những thứ mâu thuẫn nhau cũng rất dễ. Biết mình chính xác muốn gì, muốn một cách không tự mâu thuẫn, biết sẵn sàng trả giá cho điều mình muốn mới là khó. Biết đón nhận khổ đau như một yếu tố tất yếu của một cuốc sống thực sự, cuộc sống mà mình muốn, theo ý tôi, đó chính là cái làm cho người ta có thể hiên ngang với thân phận của mình.

Ai rồi cũng thành ra đất cả. Cái quan trọng không phải là tìm cảm giác thanh thản, cũng không phải là mưu cầu hạnh phúc, mà là giữ gìn phẩm giá của con người, khi đang còn sống.

Written by Ngo Bao Chau

12/01/2017 at 04:00

Posted in Độc thoại

Bầu cử ở Mỹ

Dù đã sống ở Mỹ gần 10 năm, tôi vẫn không thực sự quan tâm, cảm thấy liên quan đến cuộc sống chính trị ở nước này. Phải đến mấy tuần trước ngày bầu cử tổng thống, tôi mới thỉnh thoảng đọc báo, theo dõi các bản tin dự báo. Kỳ thực là không ai trong số hai ứng kỷ viên lần này tạo ra cho tôi một sự phấn khích tích cực.

Một bên là ông Trump. Theo quan sát hạn chế của tôi, ông này gây được cảm tình với nhiều người bằng cách nói năng bặm trợn của mình, sẵn sàng giẫm lên mọi tabou, từ chủng tộc, tôn giáo, đến giới tính … Có người tin rằng người sẵn sàng vượt qua tabou là người trung thực. Tôi không tin phương pháp này. Tôi tin hơn vào phương pháp của an ninh, ta và tây, đánh giá độ trung thực của một người qua số lần anh ta nói ngược lại với phát biểu của chính mình trước đó. Vượt qua tabou giống như cởi trần, hoặc cởi truồng, ra ngoài đường. Thỉnh thoảng thì được, thường xuyên thì rất chướng. Và khoả thân thì không nhất thiết là đẹp cũng như đạp lên tabou không chắc là nói thật. Ngoài ra cái mà tôi rất không thích ở ông Trump là dường như ông ấy muốn giải quyết mọi việc bằng cán cân quyền lực, các khái niệm chân thiện mỹ được vứt hết vào sọt rác.

Bên kia là bà Clinton. Theo quan sát hạn chế của tôi, đặc điểm của bà là không có đặc điểm gì cả. Tôi có nghe bà diễn thuyết một hai lần, nhưng nghe xong không thể nhớ được bà ấy nói gì. Trên bình diện này thì ông Trump hơn hẳn. Nhiều người chỉ trích việc bà ấy vô nguyên tắc trong việc sử dụng email, tệ hơn nữa việc xoá đi 30 chục ngàn email, chắc phải là dấu hiệu của tham nhũng. Cá nhân tôi cần có những dấu hiệu thuyết phục hơn để bắt đầu tin vào chuyện bà ấy tham nhũng. Theo cảm nhận rất phiến diện của tôi thì bà Clinton không tốt cũng chẳng xấu, rất thích hợp với cương vị tổng thống.

Từ lâu tôi đã tin rằng phần lớn sướng khổ của cuộc đời mình là do mình gây ra, không nên mong chờ một vị lãnh tụ xuất sắc, một đấng cứu thế đến cứu rỗi mình. Tốt nhất là lãnh đạo không tốt cũng chẳng xấu, miễn là không làm gì lố quá là được. Ông Trump thì hoàn toàn có thể sẽ làm những thứ rất lố. Kinh nghiệm sống mười mấy năm ở châu Âu cho tôi thấy các nhà lãnh đạo dân tuý kiểu Trump và Sarkozy sẽ gây nhiều khó chịu mà kết cục cũng không làm nên trò gì cả.

Đa số cử tri Mỹ đã không suy nghĩ như tôi. Họ có vẻ đã chán bồ câu Obama và cảm thấy khát khao diều hâu Trump, giống như họ đã từng chán gentleman farmer Carter để bầu cho cowboy Reagan. Tâm hồn Mỹ hình như không ngừng dao động giữa cái chân thiện mỹ của tôn giáo tin lành và cuộc giành giật ăn miếng trả miếng của người đi khai hoang.

Quan trọng hơn cả là hôm qua ông Trump đã thắng cử một cách thuyết phục. The people have spoken. American democracy is just beautiful the way it is, even when it looks like a tragedy.

Written by Ngo Bao Chau

24/11/2016 at 15:43

Posted in Uncategorized

Bát chiết yêu

chietyeu 

Tôi sinh ra ở thành thị, không biết nhiều về nông thôn. Hồi bé thỉnh thoảng tôi được bố cho về quê, quê tôi là một cái làng nhỏ nằm ven sông Đáy. Vì không lần nào được ở quê quá một đêm, nên không cảm thấy gắn bó lắm. Cánh cò chấp chới ở cuối cánh đồng cũng gây cho tôi một chút bâng khuâng, nhưng không làm cho tâm hồn xao động như những ngọn gió đông thổi dọc phố Lý Thường Kiệt.

Tự dưng dạo này lại sinh ra cái ước ao được tận mắt nhìn thấy căn nhà ba gian mái tranh của người đồng bằng bắc bộ. Bạn bè dẫn tôi đến nhiều căn nhà ba gian dựng lại theo kiểu xưa, rông rãi thoáng mát và tiện nghi lắm, nhưng cái mà tôi tìm là cái hồn người xưa thì không ở đó. Tôi cũng không rõ cái hồn xưa đó có thật hay nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tưởng của những người hoài cổ. Vậy mà tôi vẫn muốn đi tìm nó vì mặc dù chưa được nhìn thấy, tôn tin rằng nó tồn tại, có khi chỉ vì câu thơ của Quang Dũng

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn 

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng”.

Tôi muốn tin rằng làng quê dưới hàng cau hiền lành là cái cốt của văn minh người Việt, chứ không phải mấy thứ u mê úm ba la mà bây giờ có thể nhìn thấy khắp nơi. Tin vậy thôi nhưng mà không chắc.

Hoạ sĩ Bùi Hoài Mai dựng lại một ngôi nhà ở Tiên Du, Bắc ninh. Tôi không rõ nó có giống với cái hình dáng lý tưởng của ngôi nhà Việt mà tôi đi tìm hay không, nhưng nó rất đáng yêu, phòng nào cũng nhỏ, chỗ nào cũng có chút gió mát, có chút hồn người.

Bùi Hoài Mai vốn sinh ra ở Hà nội, bây giờ có thể tự hào vì đã thành một lão nhà quê thực thụ. Bao nhọc nhằn của người nhà quê đã in cả lên cái điệu cười nhăn nhở của lão. Cần bao nhiêu nhọc nhằn để thổi lại chút hồn thơm thảo của người nhà quê vào từng nếp nhà, vào từng mái chùa của cái làng nhỏ ở Tiên Du. Lão thổi nó cả vào mấy cái bát đĩa ấm chén này nữa.

Tôi viết mấy dòng này vì tôi yêu lão Mai lắm, chứ không phải vì lão ấy tặng tôi ba cái bát chiết yêu. Đó là một ngày không thể quên, không phải vì lão Mai nấu ăn ngon, mà vì mải nghe lão Mai ba hoa về quy trình làm đồ gốm mà tôi về Hà nội muộn, không kịp đưa mẹ đi bệnh viện. May mà không làm sao. Phúc tổ bảy mốt đời.

Written by Ngo Bao Chau

03/02/2016 at 16:34

Posted in Độc thoại

Hồ Léman

leman

Written by Ngo Bao Chau

26/01/2016 at 19:51

Posted in Ảnh