Thích Học Toán

Cây phượng ở Hongkong

Đầu hè năm ngoái tôi đi Hongkong lần đầu tiên. Đúng vào thời điểm bắt đầu bạo động ở Hongkong với nguyên do là phản đối luật dẫn độ. Run rủi như thế nào mà cuộc bạo động ở Hongkong hè năm ngoái đã là cơn giông đầu tiên báo hiệu cho trùng trùng bão tố quần thảo khắp thế giới từ sau đó.

Ông Y đón tôi ở sân bay. Ông là một thành viên của Hội đồng tín thác của Đại học Chicago. Kết hợp với chuyến công tác ở HKUST, tôi muốn đến thăm phân hiệu mới của đại học Chicago mới xây và là thành quả những cố gắng không mệt mỏi của ông Y. Ngoài một khoản tiền khá lớn mà vợ chồng ông dành cho công trình này, ông Y đã vận động chính phủ Hong Kong để có được một mảnh đất rất đẹp gần trung tâm và nhìn ra biển.

Vị trí này vốn là doanh trại của quân đội Anh, sau này được dùng làm nhà tù, nơi giam nhiều nhà hoạt động chính trị cánh tả trong những năm HK có nhiều biến cố mà nguyên nhân là quan điểm chính trị của những người đại lục tị nạn. Các nhóm người này có mâu thuẫn dẫn đến xung đột với nhau. Nhóm di cư cộng sản và nhóm di cư cộng hoà nhiều khi tẩn nhau bằng cả dao và súng, trong khi Hongkong không có quân đội, chỉ có cảnh sát.

Ông Y rât tâm đắc với kiến trúc xuất sắc của công trình, giữ gìn được doanh trại, nhà tù cũ như những vật chứng của lịch sử, mà vẫn làm nên một trung tâm học thuật hiện đại. Toà nhà có chỗ uốn cong khá ấn tượng để giữ một cây phượng được coi là biểu tượng của tri thức trong văn hoá Hoa hạ.

Ông cũng giải thích cho tôi tại sao tên của trung tâm đại học Chicago lại gắn với Jockey Club. Jockey Club là một trong những tổ chức dân sự lâu đời nhất ở HK, được chính quyền dành cho độc quyền trong việc cá ngựa. Vì là tổ chức dân sự, hoạt động như một doanh nghiệp, nên hoạt động rất hiệu quả, luôn là tổ chức đóng nhiều thuế nhất cho chính phủ sau khi đã dành ra nửa tỉ dollar mỗi năm cho những công việc phúc lợi xã hội như xây bệnh viện, trường học.

Câu chuyên Jockey Club làm tôi suy nghĩ nhiều. Nó là một minh chứng cho giá trị vô cùng lớn của một thiết chế xã hội minh bạch và hiệu quả. Nó cho phép biến những năng lượng xấu của con người như ham mê đỏ đen, thành một nguồn sinh lực vô cùng lớn và bền vững.

Ông Y còn kể câu chuyện thú vị khác về sự hình thành của công nghiệp tài chính ở Hongkong. Sau hiệp ước nhượng địa, Hongkong trở thành lãnh thổ của Anh quốc, là cửa ngõ để Anh Quốc xâm nhập thương mại vào Trung quốc. Do một tình cờ của lịch sử mà Hongkong đóng thêm một vai trò khác nữa đó là làm nơi trung chuyển cho người Trung quốc sang Mỹ xây đường tàu hoả sang bờ Tây. Người Trung quốc đi xuất khẩu lao động với mục đích chính là gửi tiền về cho gia đình ở quê. Vào thời kỳ đó, người ta chỉ có cách chuyển qua tay những người trung gian ở Hongkong với đảm bảo duy nhất là niềm tin. Công nghiệp tài chính của HK khởi nguồn từ chính niềm tin đó.

Khủng hoảng ở Hongkong, dịch Corona ở Trung quốc lan sang châu Âu và Mỹ bây giờ đang làm xáo trộn bao nhiêu cuộc sống. Nó phải làm chúng ta nhận ra giá trị của niềm tin vào con người và sự minh bạch của các thiết chế xã hội. Khi con người không còn niềm tin vào sự bình đẳng, công lý, và sự minh bạch của các thiết chế xã hội thì bạo loạn sẽ chỉ chờ lý do để nổ ra.

PS: chợt nhớ ra chuyện này vì thấy họ đang chặt phượng nhiều quá!

Written by Ngo Bao Chau

03/06/2020 lúc 13:56

Posted in Uncategorized