Thích Học Toán

Bát chiết yêu

chietyeu 

Tôi sinh ra ở thành thị, không biết nhiều về nông thôn. Hồi bé thỉnh thoảng tôi được bố cho về quê, quê tôi là một cái làng nhỏ nằm ven sông Đáy. Vì không lần nào được ở quê quá một đêm, nên không cảm thấy gắn bó lắm. Cánh cò chấp chới ở cuối cánh đồng cũng gây cho tôi một chút bâng khuâng, nhưng không làm cho tâm hồn xao động như những ngọn gió đông thổi dọc phố Lý Thường Kiệt.

Tự dưng dạo này lại sinh ra cái ước ao được tận mắt nhìn thấy căn nhà ba gian mái tranh của người đồng bằng bắc bộ. Bạn bè dẫn tôi đến nhiều căn nhà ba gian dựng lại theo kiểu xưa, rông rãi thoáng mát và tiện nghi lắm, nhưng cái mà tôi tìm là cái hồn người xưa thì không ở đó. Tôi cũng không rõ cái hồn xưa đó có thật hay nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tưởng của những người hoài cổ. Vậy mà tôi vẫn muốn đi tìm nó vì mặc dù chưa được nhìn thấy, tôn tin rằng nó tồn tại, có khi chỉ vì câu thơ của Quang Dũng

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn 

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng”.

Tôi muốn tin rằng làng quê dưới hàng cau hiền lành là cái cốt của văn minh người Việt, chứ không phải mấy thứ u mê úm ba la mà bây giờ có thể nhìn thấy khắp nơi. Tin vậy thôi nhưng mà không chắc.

Hoạ sĩ Bùi Hoài Mai dựng lại một ngôi nhà ở Tiên Du, Bắc ninh. Tôi không rõ nó có giống với cái hình dáng lý tưởng của ngôi nhà Việt mà tôi đi tìm hay không, nhưng nó rất đáng yêu, phòng nào cũng nhỏ, chỗ nào cũng có chút gió mát, có chút hồn người.

Bùi Hoài Mai vốn sinh ra ở Hà nội, bây giờ có thể tự hào vì đã thành một lão nhà quê thực thụ. Bao nhọc nhằn của người nhà quê đã in cả lên cái điệu cười nhăn nhở của lão. Cần bao nhiêu nhọc nhằn để thổi lại chút hồn thơm thảo của người nhà quê vào từng nếp nhà, vào từng mái chùa của cái làng nhỏ ở Tiên Du. Lão thổi nó cả vào mấy cái bát đĩa ấm chén này nữa.

Tôi viết mấy dòng này vì tôi yêu lão Mai lắm, chứ không phải vì lão ấy tặng tôi ba cái bát chiết yêu. Đó là một ngày không thể quên, không phải vì lão Mai nấu ăn ngon, mà vì mải nghe lão Mai ba hoa về quy trình làm đồ gốm mà tôi về Hà nội muộn, không kịp đưa mẹ đi bệnh viện. May mà không làm sao. Phúc tổ bảy mốt đời.

Written by Ngo Bao Chau

03/02/2016 lúc 16:34

Posted in Độc thoại