Thích Học Toán

Ông ngoại

Hà Nội ngày xưa những ngày gần Tết rét cóng. Các cụ già theo nhau ngỏm. Tuần sau có giỗ cả ông nội và ông ngoại.

Ông nội mất trước khi tôi sinh. Tôi chỉ biết một vài câu chuyện về ông nội qua lời kể của bố, bác Du và chú Văn. Ông cả đời làm ông giáo nghèo. Bố tôi có lần vác bộ cả bao gạo mấy chục cây số từ lên Hà Đông nơi ông dạy học. Cả đời ông chỉ mơ xây được cái “nhà tây”, tức là nhà mái bằng. Xây xong cái nhà tây thì ông mất. Nghĩ đến ông, thấy thương ông, thương bố và các bác.

Vì chưa gặp ông bao giờ nên tôi chỉ lưu trong đầu mình tấm ảnh của ông nội. Tuy thân thương, nhưng có gì đó xa cách và trừu tượng. Ngược lại với ông ngoại. Vì ở với ông ngoại từ bé nên cứ mỗi dịp Tết, nhất là mấy ngày trước giỗ ông, bao ký ức lại cuồn cuộn chảy về.

Hồi còn đi học mẫu giáo, ngày quan trọng nhất trong tuần với tôi là ngày thứ năm. Ngày thứ năm, ông ngoại đi làm về sớm đến đón tôi ở lớp mẫu giáo. Không nhớ dạo đó nghịch ngợm thế nào mà ngày nào tôi cũng bị cô giáo phạt. Riêng ngày thứ năm thì rất ngoan vì ông hứa nếu không bị cô phạt thì ông cho đi ăn kem. Kem ngày xưa ngon lắm. Một lần tuy đã rất kiềm chế, cả ngày không trêu ghẹo bạn nào, nhưng có lẽ vì thế nên căng thẳng quá mà đến chiều thì có vi phạm rất to là đái dầm. Buồn lắm vì như thế bao nhiêu cố gắng kiềm chế không trêu ai, không đánh ai, thành ra công cốc. Đến trường ông hỏi sao trông mặt cháu buồn thế, lại bị phạt à? Trả lời vâng ạ, cháu bị phạt vì tội đái dầm. Ông bảo đái dầm không phải là khuyết điểm vì không ai cố tình đái dầm cả. Nên vẫn được ăn kem. Trên đời chắc không có ai độ lượng như ông ngoại.

Lớn hơn chút, mỗi khi có việc gì quan trọng, tôi lại đòi ông ngoại đi đón. Mỗi lần đi thi biết có ông ngoại đi đón, cảm thấy rất vững tâm để làm bài. Cứ mỗi kỳ thi, mà học chuyên toán thì thi suốt, ông lại đi đón. Ông không bao giờ sai hẹn.

Tết nào ông cũng lôi ở đâu về rất nhiều trấu về nấu bánh chưng. Mấy anh em chạy lăng xăng xung quanh nồi bánh chưng của ông ngoại. Ông bảo chạy xa xa ra không làm đổ nồi bánh chưng của ông. Có lần không kìm được máu nghich ngầm, tôi ném một quả pháo tép vào đống củi lửa dưới nồi. Pháo nổ làm ông giật mình. Ông bực mình lắm, nhưng vì ông không quen mắng mỏ ai bao giờ, ông không tìm ra từ để mắng. Mấy anh em tôi được dịp tiếp tục lăng xăng nhảy nhót. Ông bực lắm mà chỉ biết trừng mắt lên rồi bảo: không được hỗn láo trước mặt cấp trên.

Khi về hưu, ông bà ngoại tôi mở quán xôi chè ở sân nhà Hàng Bài. Xôi chè bà nấu ngon nên đông khách. Ngày nào cũng như ngày nào, ông ngoại dạy từ 4 giờ sáng quét sân, dựng bạt, rồi cả ngày rửa không biết bao nhiêu bát đĩa của khách. Không một lời kêu ca.

Ông ngoại tôi sinh ra trong một gia đình rất giàu có. Trước cách mạng, ông đã có mấy cái xe hơi, thừa hưởng mấy chục căn nhà trên phố Bạch Mai. Có đủ nhà để mở trường cho trẻ em nghèo. Đi kháng chiến 9 năm về, người ta bắt ông đi cải tạo vì thành phần vẫn không tốt. Đi về ông hiến nhà nước toàn bộ nhà cửa ở Bạch Mai và gia đình tôi dọn về Hàng Bài nơi nhà nước cho thuê lại một chỗ ở. Toàn bộ tài sản của ông được xếp ngăn nắp trong một cái tủ nhỏ sơn màu xanh dương. Vậy mà cần gì ông mở tủ ra là có. Có lần tôi tự tiện mở tủ của ông để lấy bút viết, vì tôi hay làm mất bút. Ông bực lắm nhưng cũng chỉ nói, cháu không được tự tiện mở tủ cửa người khác. Rồi ông nói cháu lấy bút rồi, lần sau cháu xin ông đâu còn bút để cho.

Khi ông gần mất, tôi xin nghỉ được một hai tuần để về nhà, đến ngủ với ông ở trong bệnh viện. Lúc ấy ông đã hơi lẫn rồi. Nhưng đôi lúc vẫn còn tỉnh. Một lần như thế tôi hỏi ông có tiếc vì đã đi kháng chiến hay không? Ông bảo không, bọn Pháp chiếm nước mình thì mình phải đánh lại nó. Xong tôi hỏi ông có tiếc 30 căn nhà hiến cho nhà nước hay không. Ông bảo không, nếu không hiến thì mẹ cháu làm sao được đi học đại học. Tôi luôn ngạc nhiên vì ông có câu trả lời đơn giản cho mọi vấn đề phức tạp.

Có những người sinh ra đã là gentleman: biết cái gì là đúng cho trong đa số các hoàn cảnh, tử tế, độ lượng với những người xung quanh, luôn nhận phần thiệt về mình, không bao giờ kêu ca, không bao giờ giải thích. Có những người khác phải vấp váp, rèn luyện cả đời cũng chỉ đạt đến gần đó. Lại có những người khác sống cả đời với sự nhỏ nhen mà họ có từ khi sinh ra.

Written by Ngo Bao Chau

13/01/2017 lúc 15:59

Posted in Uncategorized